Chuyện nghề

Chuyện nghề

Chuyện nghề: Thổi hồn vào kính

Ngót hai chục năm gắn bó với nghề gương kính, Phạm Hồng Vinh - GĐ Cty kính nghệ thuật Coba - tâm sự: "Đam mê khám phá chính là điều giúp tôi có thể gắn bó với nghề tranh kính".

Đam mê 

Trong gian xưởng bề bộn tại TP.Hà Đông (Hà Nội), anh Vinh đang điều khiển chiếc máy phun sơn hoàn tất những nét vẽ cuối cùng trên bức tranh kính. Dưới ánh đèn, hình một thiếu nữ trên nền tranh huyền ảo, sống động. Anh phát hiện một nét thiếu, chiếc máy lại thoa nhẹ lớp sơn hồng...Giữa kho sản phẩm hàng chục bức tranh kính đủ màu sắc, anh Vinh kể: " Một bức tranh kính phải trải qua nhiều công đoạn: Định khuôn, lên khung, cắt, mài trên máy và thủ công, phun sơn tay. Phun sơn là việc khó nhất". Anh giải thích, thợ phun sơn không chỉ biết hình dung "nhìn ngược" khi phun ngược hình từ mặt sau kính mà phải biết phối màu sơn giống với ảnh mẫu. Bởi thế, thợ làm kính thì nhiều, nhưng ít người thành công ở công đoạn phun sơn. 

Quy trình làm tranh kính của Cty Coba khác nhiều với công việc thủ công. Anh Vinh chỉ chiếc máy cắt mẫu và khắc CNC, nói rằng: "Công nghệ hiện đại có thể làm nhiều mẫu sản phẩm hơn, độ rộng không giới hạn, hạn chế việc phải vẽ thủ công". Sản phẩm tranh kính còn mới với ứng dụng làm cửa, vách ngăn, tranh treo, tường, lan can, sàn nhà...Qua bàn tay của anh, tấm kính thông thường như được thổi hồn, kết hợp các mảng khối, màu sắc của sơn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật: Bông hoa, thiếu nữ, động vật, phong cảnh..."Tôi vừa hoàn thành bức tường kính lớn nhất, dài 8m, cao 2,4m cho một nhà hàng ở phố Bà Triệu. Phần tranh khắc trên kính là những bông sen hồng rực rỡ giữa lá sen xanh" - anh Vinh tự hào. 

Trăn trở nghề 

Tranh kính ghép từ Châu Âu được du nhập vào VN hàng chục năm nay, chủ yếu ở các nhà thờ. Không chọn cách đó, anh Vinh hướng tới những ứng dụng của kính trong công trình dân dụng. Anh mày mò sáng chế tranh kính điêu khắc. "Khác với tranh ghép kính làm từ nhiều tấm kính ghép lại, tranh kính điêu khắc là một tấm kính nguyên, đảm bảo được tính chịu lực, đa dạng mẫu mã và ứng dụng..." - anh Vinh cho biết. Phạm Hồng Vinh gắn bó với sản phẩm kính đã ngót 20 năm. 

Năm 1988, anh chuyển từ Trọng tài kinh tế tỉnh Hà Sơn Bình sang sản xuất gốm sứ, kính. Say mê tìm tòi với nghề làm kính, không ít lần thất bại trong kinh doanh, Phạm Hồng Vinh cũng tích lũy được nhiều trong việc tự tìm tòi nghiên cứu: Sáng chế cách mài tay trên kính phẳng (năm 1991); chế tạo ra máy phun cát mờ trên kính, khắc tranh kính bằng máy phun cát (1994); sáng chế cách hóa mờ cho sản phẩm kính phalê (năm 1996); điêu khắc trên gương vệ sinh, chống mờ ố (1997), nghiên cứu sản phẩm thớt kính đa năng (năm 2006)... 

Anh chia sẻ: "Xu hướng xây dựng dân dụng phát triển mạnh, nghề làm tranh kính tất yếu có chỗ đứng". Hàng tháng, thợ làm kính Coba nhận được hơn 30 đơn hàng làm cửa, vách ngăn, biển quảng cáo, tranh treo tường.... từ các kiến trúc sư, chủ thầu xây dựng. Với 15 nhân công lành nghề, Phạm Hồng Vinh tự nhận năng lực Cty còn khiêm tốn với tiềm năng một thị trường tranh kính trong tương lai. "Vốn sản xuất đang là điểm yếu của Cty, chúng tôi có kế hoạch mời gọi các nhà đầu tư để cùng góp cổ phần. Tôi mong các ngân hàng nhìn nhận nghề tranh kính là một nghề thủ công truyền thống, từ đó giúp Cty có những ưu đãi trong vay vốn phát triển sản xuất" - anh tâm sự.

 

Viết bình luận:

 
vinhcobaartglass vinhcobaartglass