Hà Nội: Nghệ nhân giữ

Hà Nội: Nghệ nhân giữ "hồn dân tộc" bừng sáng qua tranh kính điêu khắc

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh (Sơn Tây, Hà Nội) được nhiều người biết đến với nghệ danh "Vinh Coba". Ông có hơn 30 năm cuộc đời tạo dựng và phát triển nghề tranh kính nghệ thuật ở Việt Nam.

Đưa nét cổ xưa vào tranh kính hiện đại

Những dòng tranh kính của "made in Việt Nam" của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã tạo nên dấu ấn bởi những hình ảnh mang đậm sắc văn hóa đặc trưng của người Việt. Từ chủ đề mang giá trị văn hoá, tâm linh, con người đến những đề tài tượng trưng cho nét đẹp dân gian Việt Nam.

Với kinh nghiệm lâu năm, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã thổi hồn lên những những tấm kính vô tri, dễ vỡ thành những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đặc sắc, bền bỉ với thời gian.

"Qua những chủ đề xưa, tôi được tái hiện lại với hình ảnh, kiến trúc, con người, lối sống lên tranh kính, qua đó giúp lưu trữ cái "hồn dân tộc" và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến mọi người", nghệ nhân Vinh cho hay.

Hà Nội: Nghệ nhân giữ "hồn dân tộc" bừng sáng qua tranh kính điêu khắc - Ảnh 1.

Đĩa kính khắc hình "Trống Đồng" mang thương hiệu Vinh Coba do các nghệ nhân chế tác. Ảnh: Đức Quang

Nét cổ xưa đó được ông khắc họa nhiều qua những bức tranh về Hà Nội như: Hình ảnh "Rồng nhà Lý năm móng" mang đậm vẻ đẹp uy nghi, thể hiện tâm hồn với ước mơ tự do, độc lập; "Một thoáng Việt Nam" chứa đựng vẻ đẹp mang đậm chất Hà Nội; những tác tác phẩm "Chùa Một Cột", "Văn miếu Quốc Tử Giám", "Cầu Long Biên",… cũng được tái hiện một cách chân thực, tỉ mỉ qua từng chi tiết trên tấm kính.

Những tác phẩm về con người Hà Nội có thể kể đến tranh "Áo dài bên Hồ Gươm", "Vợ chồng xẩm", "Người gánh hàng rong" với phong cách tả thực…. Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã gửi gắm cho chúng ta những thông điệp như tái hiện về trang phục, cách ăn mặc, lối sống và nét đẹp tâm hồn của người Hà Thành xưa.

Bên cạnh những tác phẩm về tâm linh, còn là cả kho tàng tranh điêu khắc trên kính, đĩa, chai lọ… với đủ các danh lam thắng cảnh của mảnh đất ngàn năm văn hiến như: Tháp Rùa, Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn, Phủ Tây Hồ, Cầu Thê Húc, Hoa Sen, Hoa Loa Kèn…

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh cho biết, để làm ra một bức tranh kính không hề đơn giản, những bức tranh mô tả nét xưa Hà Nội lại càng đòi hỏi người thợ phải khéo léo hơn. "Mỗi công đoạn tác động lên mặt kính khiến bức tranh càng thêm có hồn, do đó cần trải qua tám bước tỉ mỉ, từ thiết kế, tạo hình, vẽ tranh cho đến khi tôi kính trong lò nung. Khi tạo hình, người thợ phải tuân thủ những quy luật nhất định để đảm bảo tính sống động, chân thực nhất cho tác phẩm, như luật xa gần, luật sáng tối, điểm nghỉ của bức tranh", ông cho hay.

Hà Nội: Nghệ nhân giữ "hồn dân tộc" bừng sáng qua tranh kính điêu khắc - Ảnh 3.

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đang thực hiện công đoạn mài trên kính cho tác phẩm "Lá Bồ đề" với họa tiết rồng nhà Lý.

Ảnh: Đức Quang.

Đặc biệt, công nghệ điêu khắc âm bản, mài và chất liệu sơn hấp nhiệt chuyên dụng giúp bức tranh nghệ thuật không phai nhạt, bong tróc và chịu ảnh hưởng của môi trường khắc nghiệt nên sản phẩm đập khó vỡ, đốt không cháy.

Những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc còn mang tính ứng dụng cao bởi nó như một vật liệu xây dựng, vừa để trưng bày, trang trí nội, ngoại thất, vừa đưa vào phục vụ cho sinh hoạt đời sống như bàn, ghế, giường, tủ, vách cửa, trần, sàn, mái hoặc các tiểu cảnh….

Với việc viết nên lịch sử tranh kính và văn hóa tranh kính, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh còn được coi là "Nhà lưu giữ các giá trị văn hóa trên chất liệu hiện đại", người tạo ra "Làng nghề tranh kính trên đất nghìn năm", "Nhà sáng tạo Việt", "Doanh nhân 1000 năm Thăng Long"…

Tiếp tục truyền lửa và không ngừng sáng tạo

Bằng tình yêu, niềm đam mê và cái tâm với nghệ thuật tranh kính, đã thôi thúc người nghệ nhân không ngừng tìm tòi sáng tạo để đưa nghề điêu khắc tranh kính ngày càng phát triển.

Chính vì đó, trong suốt 30 năm, ông đã nhận đào tạo và truyền nghề cho hơn 200 nghệ nhân khác. Đã không ít học trò sau này thành danh, tiêu biểu là nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà, người đầu tiên mạnh dạn tìm tòi và đã chinh phục thành công nghệ thuật tranh kính mang thương hiệu "Vinh Coba".

"Nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà là người tiêu biểu nhất trong các học trò từng theo học nghề. Đến nay, bạn ấy đang nhận trong trách gìn giữ và phát triển nghệ thuật tranh kính Vinh Coba và đã có nhiều thanh công trong sản xuất, truyền bá nghệ thuật tranh kính", nghệ nhân Vinh tự hào chia sẻ.

Hà Nội: Nghệ nhân giữ "hồn dân tộc" bừng sáng qua tranh kính điêu khắc - Ảnh 4.

Nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà đang cùng người thầy của mình tô màu cho bức tranh nghệ thuật.

Ảnh: Đức Quang.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, ngành kính điêu khắc nghệ thuật đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Từ một xưởng kính nghệ thuật chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng, tranh điêu khắc kính đến nay sản phẩm mang thương hiệu tranh kính "Vinh Coba" đã khẳng định được vị trí của mình và có mặt tại nhiều công trình văn hóa trên cả nước.

Hiện tại, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh vẫn tiếp tục sáng tạo, thử nghiệm, liên tục cải tiến công nghệ, từ cách khắc tranh bằng máy phun cát, cách hóa mờ cho sản phẩm kính pha lê, chế tạo gương chống mờ hơi nước, cầu kính… Nhờ vậy tranh kính điêu khắc của ông luôn có sự kết hợp hài hòa của hai yếu tố: nghệ thuật thủ công và chất liệu hiện đại.

Hà Nội: Nghệ nhân giữ "hồn dân tộc" bừng sáng qua tranh kính điêu khắc - Ảnh 5.

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh (Vinh Coba) đang hướng dẫn học trò cách tạo ra sản phẩm đĩa điêu khắc rồng nhà Lý. Ảnh: Đức Quang.

Những tác phẩm tranh kính của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh luôn đa dạng về mẫu mã nhưng không mất đi giá trị văn hóa khi pha trộn thêm nét mới. Nhiều tác phẩm mang đậm nét văn hóa phương Đông thể hiện trên kính rất được ưa chuộng như tranh Tứ Bình, tranh Thủy Mặc… hay những tác phẩm văn hóa dân gian truyền thống như tranh Đông Hồ, tranh Trống Đồng Đông Sơn…

"Giờ đây, khi đã có thương hiệu trong nước, tôi luôn khao khát được khẳng định thương hiệu tranh kính của người Việt. Mang những giá trị văn hóa xưa và nay lên tranh kính. Làm sao để khi nhắc đến tranh kính, bạn bè trong và ngoài nước sẽ hình dung ngay đến đất nước, con người Việt Nam", nghệ nhân Phạm Hồng Vinh tâm sự.

Chính khao khát đó, người nghệ nhân ngoài 50 tuổi vẫn đang ngày đêm say mê nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới và sáng tạo, đồng thời kiên định gìn giữ những giá trị truyền thống qua từng tác phẩm. Cùng với đó là truyền dạy lại cho các thế hệ học trò với mong mỏi lan tỏa nét đẹp, sắc màu văn hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới.

(Nguồn: Đức Quang/ https://danviet.vn/)

Viết bình luận:

 
vinhcobaartglass vinhcobaartglass