CON ĐƯỜNG HÀNH ĐỘNG

CON ĐƯỜNG HÀNH ĐỘNG

Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh nhà sáng lập nghề tranh kính.

(Nhà sáng nghiệp) - Nhắc đến tranh kính nghệ thuật người ta nghĩ ngay tới ông Phạm Hồng Vinh hay còn gọi là Vinh CoBa - Người đã sáng lập và đồng hành cùng những bước thăng trầm của nghề tranh kính. Và có lẽ, không sai chút nào khi dùng cho nghệ nhân tài hoa Phạm Hồng Vinh các từ: sáng tạo, táo bạo giàu nghị lực và tâm huyết với nghề.Chúng tôi đến thăm ông Vinh trong một buổi chiều hè oi ả, nhưng ngược lại không khí buổi nói chuyện lại trở nên thoải mái bởi sự cởi mở và nồng hậu của ông. Nhìn cái dáng bề ngoài ít ai biết rằng ông đã đi qua cái tuổi 50. Với cách nói chuyện chân thực và dí dỏm, ông cuốn chúng tôi theo các câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp tranh kính của mình. 

Vốn mang trong mình niềm đam mê hội họa từ nhỏ, nên mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng (ĐH Kinh tế Quốc dân), khi ra trường ông Vinh về làm trọng tài kinh tế của tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Tuy nhiên sau 5 năm công tác, thấy công việc không phù hợp với sở trường của mình, ông xin ra khỏi biên chế Nhà nước về mở xưởng sản xuất lò gốm, sau nâng cấp thành hợp tác xã sản xuất gốm, rồi góp vốn với bạn bè thành lập công ty sản xuất gốm sứ Hoàng Hải, phát triển theo hướng in đề can trên gốm sứ. Đó là thời điểm những năm 1988- 1989, khi ấy hàng gốm sứ mỹ nghệ, chủ yếu là tranh gốm của công ty sản xuất không đủ để bán. Lúc làm ăn "trúng” lớn ông còn nhận được những hợp đồng sản xuất trụ điện sứ 35KV với trị giá lên tới hàng triệu đồng. Thời hoàng kim ấy, khi mà kinh tế thị trường mới manh nha nhen nhóm, khi mà cuộc sống của đại bộ phận người dân còn kham khổ, ông đã có trong tay số vốn lên tới 80 triệu đồng. 

Không dừng lại ở đó, bằng sự nhạy bén và sáng tạo của mình ông Vinh nhận thấy thị trường trong nước đang khan hiếm thiết bị mài kính. Ông đã tự nghiên cứu và sản xuất thành công đá mài kính - một thiết bị mài kính đầu tiên của Việt Nam. Mới ra đời, sản phẩm này đã dành được sự đón nhận rất tốt của thị trường, bởi vậy ông chuyển hẳn sang nghiên cứu chuyên sâu hơn và mở xưởng chế tác đá mài kính, nghiên cứu ra qui trình làm kính trong, kính mờ, kính màu , điêu khắc trên kính bằng súng phun cát... Khi công việc làm ăn đang thuận lợi thì vào thời điểm năm 1996 các mặt hàng kính mờ, kính màu của Trung Quốc tràn vào Việt  Nam với giá thành rẻ hơn, người tiêu dùng bắt đầu quay lưng lại với hàng nội địa. Các sản phẩm kính của ông không thể cạnh tranh được với các mặt hàng Trung Quốc về giá cả. Và kết quả là cơ sở sản xuất kính của gia đình ông Vinh đã tuyên bố phá sản kéo theo đó là các khoản nợ nần chồng chất lên đến gần 4 tỷ đồng. Cuộc sống gia đình ông từ đây cũng lâm vào muôn vàn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua cùng với số nợ quá lớn ngỡ như không thể trả nổi. Trong hoàn cảnh vô cùng bí bách như vậy, ông đã có lúc nghĩ đến cách ly hương để trốn nợ. Nhưng rồi nghĩ đến vợ con ông bỏ đi không đành. Và thế là “trong cái khó ló cái khôn”. Với sự nhạy bén và trí óc không ngừng sáng tạo của mình, ông Vinh đã nghiên cứu và cho ra đời công nghệ hóa mờ kính (chỉ trong vòng 20 ngày). Sản phẩm kính được sản xuất theo công nghệ ông chế tạo ra năng xuất hơn rất nhiều so với trước kia mà chất lượng lại vượt trội bởi đẹp, kín, mờ và siêu mịn… giá thành lại rẻ nên đã đánh bật được hàng Trung Quốc, lấy lại vị trí cho sản phẩm kính mờ mang tên Vinh Coba. Kế tiếp thời gian đó chỉ trong 12 ngày ông đã nghiên cứu và cho ra đời công nghệ hóa trong và sau đó sản xuất bảng kính phục vụ cho các trường Đại học, THPT… Không ai tin là ông lại có thể bình tĩnh để trả hết món nợ khổng lồ ấy. Cho tới năm 2003, từ việc cung cấp mối hàng, ông nhận thấy nhu cầu trang trí bằng tranh kính nghệ thuật cho các công trình xây dựng dần nhen nhóm, nhất là đối với bộ phận những gia đình khá giả. Vậy là lại ngoặt sang một hướng làm ăn mới- điêu khắc tranh trên kính.Và giờ đây, cái tên Vinh CoBa được nhắc tới như một thầy phù thủy trong làng tranh kính Việt Nam. Hiện tại Ông Phạm Hồng Vinh đã làm giám đốc của công ty CP kính nghệ thuật CoBa  có showroom tại 53 Lý Thường Kiệt – Hà Đông và cơ sở sản xuất tại thị xã Sơn Tây.

Mỗi tác phẩm tranh kính mang tên CoBa là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang trong đó sự sáng tạo và tâm huyết. Chia sẻ với phóng viên báo kinhte24h ông Vinh cho biết: “Để theo đuổi nghiệp tranh kính cần phải có tố chất đầu tiên là khiếu hội họa, điêu khắc, có khả năng tư duy về ngôn ngữ đá mài, khả năng mài tay, am hiểu công nghệ silicat nói chung và thủy tinh nói riêng… và trên hết là sự kiên trì cần mẫn, lòng đam mê và tâm huyết với nghề.”

Hiện tại và trong tương lai, ông Vinh cho biết sẽ hướng các tác phẩm tranh kính của mình vào khai thác yếu tố văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa dân gian truyền thống nhằm gìn giữ, phát huy những nét đẹp mà cha ông đã để lại. Các tác phẩm mà ông đang và sẽ thực hiện là: nghệ thuật hát xẩm, Chử Đồng Tử, Lạc Long Quân… theo như ông đánh giá thì đây là các tác phẩm chứa đầy tính văn hóa dân gian và chắc chắn sẽ được nhiều người ưa thích bởi nó sẽ khơi dậy tiềm thức cũng như niềm tự hào dân tộc. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Hồng Vinh cũng cho biết hiện đang ấp ủ dự định xây dựng bảo tàng tranh kính Việt Nam, nhằm lưu giữ những giá trị hiện vật từ thời Tranh kính mới ra đời cho đến nay, cũng là làm tư liệu và cơ sở cho công chúng cùng tham khảo và nghiên cứu. 
 Theo Kinh tế 24h

 

Viết bình luận:

 
vinhcobaartglass vinhcobaartglass