Diện kiến “đệ nhất” tranh kính nghệ thuật- Thiên Hương

Diện kiến “đệ nhất” tranh kính nghệ thuật- Thiên Hương

Diện kiến “đệ nhất” tranh kính nghệ thuật

Thứ tư, ngày 24 tháng 10 năm 2012 | 14:23

Cơ duyên

Ông Vinh là người Hà Đông (Hà Nội), trước khi đến với nghề khắc tranh kính, ông từng học Đại học Kinh tế quốc dân, sau khi ra trường (năm 1984), ông làm thanh tra trọng tài kinh tế tại Hà Sơn Bình (cũ). Năm 1988, ông quyết định bỏ làm cán bộ Nhà nước, xin ra ngoài làm kinh tế và mở xưởng sản xuất gốm, về sau thành lập HTX gốm sứ Tây Mỗ, rồi thành lập Công ty sứ Hoàng Hải, chuyên sản xuất sứ điện, sứ dân dụng, gạch men kính… Đầu những năm 1990, ông bắt đầu sản xuất và cung cấp đá mài kính, hồi đó, khắp thành phố Hà Nội mới có khoảng mươi hiệu mở dịch vụ mài lọ hoa, cốc, ly… Nhận thấy đây là “mảnh đất” màu mỡ, nhiều đầu ra, ông Vinh đã tìm hiểu công nghệ mài của Tiệp Khắc rồi chế tạo ra máy mài kính phẳng.

 

Ông Vinh cho biết, máy mài kính phẳng cho phép mài bất kỳ loại hoa văn nào, nhưng khổ tranh lại bị hạn chế, chỉ mài được dưới 0,5m2 nên các đơn đặt hàng bị hạn chế. Liên tục mày mò, nghiên cứu sáng tạo, cuối cùng những bức tranh kính điêu khắc trên khổ 1m2 đã được ông cho ra lò.

“Nhưng cơ duyên đến với nghề khắc tranh kính của tôi có lẽ bắt đầu từ việc chế tạo thành công máy phun cát. Thời đó (năm 1992) chưa có máy nén khí, tôi phải chế tạo từ lốc điều hòa, máy nén khí ô tô. Tới năm 1993, tôi mua được đầu máy nén khí cũ và bắt đầu tập trung sản xuất kính mờ, gương tủ đứng, tủ ly… và chủ yếu cung ứng hàng cho các đại lý bán gương kính. Hồi đó, nhu cầu làm tranh kính chưa nhiều nên tôi làm chơi là chính, cũng là để thỏa mãn sở thích yêu hội họa từ nhỏ. Mãi mấy năm sau tôi mới nhập được thủy tinh màu của Hàn Quốc, từ đó, công nghệ điêu khắc tranh mới dần hoàn thiện”, ông Vinh tâm sự.

Vừa kể chuyện, ông Vinh vừa luôn tay làm việc. Với máy mài kính, ông nắn nót từng chi tiết, tấm kính nhỏ được đưa đi đưa lại, rồi những bông hoa, cành lá, hình khối… dần dần hiện ra, trở thành những bức tranh hết sức độc đáo. Điều khiến tôi ngạc nhiên là ông không cần phải vẽ phác họa mà các họa tiết, hình ảnh cứ thế lần lượt hiện ra trên tấm kính, mọi đường nét đều hết sức mềm mại, sinh động và tự nhiên.

 

Ông Vinh cho biết: “Thực ra nghệ thuật tranh kính ra đời từ rất sớm và phổ biến trên thế giới, nhất là ở các nước châu Âu, nhưng chủ yếu là loại tranh ghép bằng những mảnh kính màu (tại Việt Nam, loại tranh này xuất hiện nhiều ở các nhà thờ Thiên Chúa giáo). Nhưng tôi không chọn công nghệ đó mà hướng tới những ứng dụng rộng rãi hơn trong các công trình dân dụng, cụ thể, tranh điêu khắc của tôi là một tấm kính nguyên, chịu lực tốt, nhiều mẫu mã nên khách hàng có nhiều lựa chọn. Thực tế là các công trình xây dựng hiện nay sử dụng rất nhiều tranh kính treo tường, vách kính, trần nhà bằng kính…

Chả trách, đến nay Công ty TNHH Sản xuất thương mại CoBa do ông thành lập năm 2004 có rất nhiều bạn hàng lớn, với những đơn hàng “khủng”, trong đó phải kể đến các hợp đồng với rạp Kim Đồng, chùa Bái Đính (Ninh Bình), khách sạn Hoàng Gia (Bắc Ninh), khách sạn Con Rồng (Hà Nội)…

Thăng hoa

Khi việc kinh doanh của Công ty đi vào ổn định, tay nghề điêu khắc của ông Vinh càng thăng hoa hơn, ông bắt đầu “thực sự” vẽ tranh trên kính. Để sáng tạo nên những tác phẩm cầu kỳ, đẹp mê hồn như Hát xẩm, Chử Đồng Tử, Lạc Long Quân giết giao long, hay Cô gái bên suối... ông đã cất công đi nhiều nơi để sưu tầm tư liệu, tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, về văn hóa dân gian. Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của hầu hết các bức tranh kính đều hướng về văn hóa dân gian, theo như lời ông, đó là để lưu giữ lại cho đời sau những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Hiện, ông Vinh đang ấp ủ dự định xây dựng một bảo tàng nhỏ về tranh kính Việt Nam, nhằm lưu giữ những hiện vật có giá trị từ thời tranh kính mới ra đời cho đến nay. Đây cũng là nơi sẽ trưng bày, lưu giữ những tác phẩm độc đáo có một không hai của ông, bởi theo ông, hầu hết tranh kính nghệ thuật của ông làm ra không bán, mà sẽ giữ lại để làm bộ sưu tập, khi triển lãm thì đem ra trưng bày, cũng là làm tư liệu cho những ai có cùng sở thích tìm hiểu, nghiên cứu.

 

Trong những năm làm tranh kính điêu khắc, có một kỷ niệm ông không thể quên. Chuyện là, ông được em trai nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị vẽ bức chân dung bà Bình bằng kính nhân dịp sinh nhật tuổi 80 của bà, hồi đó khoảng năm 2008. Nhận được yêu cầu này, ông Vinh đã vẽ phác họa chân dung nữ chính khách trước nhằm đảm bảo đúng thần thái, độ chân thực, rồi phun cát lên kính, sau đó mới mài độ nông sâu của từng nét vẽ và kiên trì phối màu để bức tranh được sinh động. Với ông, việc hoàn thành bức tranh này là niềm tự hào, vinh dự hiếm có.

Khi được hỏi về bí quyết làm tranh kính của mình, ông Vinh chỉ nói đơn giản: “Theo đuổi nghiệp tranh kính, tố chất đầu tiên là khiếu hội họa, điêu khắc, có khả năng tư duy về ngôn ngữ đá mài, khả năng mài tay, phải am hiểu công nghệ silicat nói chung và thủy tinh nói riêng… Cũng như bất cứ các nghề thủ công nào khác, nghề này đòi hỏi trên hết là sự kiên trì, tỉ mỉ và ngọn lửa đam mê…”.

Thiên Hương

Viết bình luận:

 
vinhcobaartglass vinhcobaartglass