Những tác phẩm đầy ấn tượng của nghệ nhân Vinh Coba
Theo Nghệ nhân bàn tay vàng Phạm Hồng Vinh (Vinh Coba), lâu nay nhiều người vẫn nghĩ tranh khắc kính có xuất xứ từ Trung Quốc hay từ châu Âu mà không hề biết đó là một sản phẩm, sáng tạo nghệ thuật "made in Việt Nam”. Tranh kính tuy đã xuất hiện cách đây khá lâu ở châu Âu nhưng đó chỉ đơn thuần là những mảnh kính màu qua gọt dũa, đính, dán tạo thành tranh và khi du nhập vào Việt Nam chủ yếu được sử dụng trong nhà thờ... Tranh kính của Trung Quốc có khác hơn khi người ta dùng sơn sơn trực tiếp lên kính.
Với nghệ nhân Vinh Coba, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước anh đã mày mò vẽ và làm tranh trên chất liệu sứ và có những thành công nhất định. Nhận thấy kính là một chất liệu đang dần được ứng dụng nhiều trong xây dựng, anh nghĩ đến việc làm cho những tấm kính phẳng phiu thường dùng làm gương, vách ngăn cho các căn hộ trở nên "có hồn” hơn. Mới đầu anh dùng đá mài mài lên kính cho mờ đi, rồi mài, khắc sâu vào kính những hoa văn đơn giản. Dần dà, qua thời gian thử nghiệm, những đường nét điêu khắc nông, sâu đã tạo thành hình khối rất sinh động, có tính thẩm mỹ cao. Thấy mài thủ công tốn nhiều thời gian, công sức, khó có thể hạ giá thành sản phẩm, anh nghĩ đến việc chế tạo máy mài kính. Chiếc máy mài kính đầu tiên do anh tự chế không chỉ tăng năng suất lao động lên gấp nhiều lần mà còn giúp mài được nhiều chi tiết phong phú, sinh động hơn...
Nghệ nhân bàn tay vàng Vinh Coba với tác phẩm của mình
Anh Vinh cho biết, để hoàn thành một tác phẩm tranh khắc kính nghệ thuật, người họa sỹ phải thực hiện qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc phác thảo ý tưởng trên giấy hoặc trên máy vi tính, chọn nguyên liệu kính phù hợp với nội dung, vị trí ứng dụng tranh, sau đó làm sạch kính, đưa nội dung tranh lên kính bằng công nghệ điêu khắc thủ công tỉ mỉ, cuối cùng tranh được sơn, hấp màu qua nhiệt độ khoảng 700 độ C. Sơn màu là công đoạn khó nhất để làm nên một bức tranh kính hoàn hảo, đòi hỏi ngoài am hiểu về mỹ thuật, người họa sỹ còn phải có khả năng làm việc bằng... tư duy ngược. Do không nhìn được tác phẩm mình đang làm nên họa sỹ phải nhớ toàn bộ bố cục bức tranh đến từng chi tiết nhỏ nhất. Sự phức tạp của công đoạn này đòi hỏi họa sỹ phải tập trung cao độ, bởi chỉ sơ ý làm rớt một giọt màu là phải tẩy toàn bộ bức tranh đi sơn lại, thậm chí phải bỏ nguyên liệu, làm lại từ đầu. Cũng vì đòi hỏi này mà có rất ít thợ bám trụ được với nghề, đó cũng là điều trăn trở của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh trong đào tạo nghệ nhân tranh khắc kính.
Cùng với giá trị về mặt nghệ thuật, tranh khắc kính còn được đánh giá cao về mặt ứng dụng trong trang trí, thiết kế nội, ngoại thất tạo nên một không gian sáng, đẹp như: làm trần nhà, bàn, ghế, cửa, vách ngăn, cầu thang, bể kính... Vừa cách âm, cách nhiệt, chịu lực va đập tốt khi được gia công nhiệt, tranh khắc kính còn khiến không gian ngôi nhà trở nên thoáng, rộng hơn bởi khả năng xuyên sáng. Với giá thành dao động khoảng 1,8 triệu đồng đến 3 triệu đồng/m2, tùy theo chất liệu và độ phức tạp của bức tranh, nhưng tranh khắc kính vẫn ít được người tiêu dùng lựa chọn.
Dẫu đã tham gia một vài hội chợ triển lãm và gần đây nhất là triển lãm tranh kính nghệ thuật do anh đứng ra tổ chức tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) nhưng nghệ nhân Phạm Hồng Vinh thừa nhận: tranh kính điêu khắc nghệ thuật ít được mọi người biết đến do khâu quảng bá sản phẩm còn yếu. Anh cho biết: thời gian tới anh sẽ tiếp tục đem sản phẩm tham gia các triển lãm, hội chợ về vật liệu xây dựng để cho tranh khắc kính được nhiều người biết đến, để tranh khắc kính góp phần làm đẹp hơn không gian sống cho mỗi gia đình người Việt.
ĐỨC NGUYÊN
|
Viết bình luận: