(Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Việt Dũng viết về những ngày tháng khốn khó nhất của nghệ nhân Vinh Coba)
Anh ta dựa vào cột điện ngoài hè chiếc xe đạp cà tàng, không gác đờ bu, gác đờ xen phía sau đeo sọt, buộc cả nắm chun, khung giá trên đó là vài tấm kính mờ bước vào cửa hàng lặng lẽ xem ngắm hàng giờ. Của đáng tội cửa hàng rộng hơn 100m2, bầy biện vài trăm sản phẩm thủy tinh pha lê CH Séc theo phong cách phương Tây hấp dẫn, mới nhập về sáng loáng. Ai vào lần đầu đều hoa mắt, choáng ngợp như lạc chốn thiên cung, cái gì cũng muốn sờ, muốn nâng nhưng khi định mua lại phải rụt tay ngay vì giá cả.
Thấy anh ta cứ vòng đi vòng lại, Dự tiến đến gần ậm ừ ý tứ. Biết mình có “vấn đề” anh cười gượng gạo xã giao và giải thích: “Chào anh, em mê cái món hàng pha lê Tiệp Khắc này lắm, thi thoảng không qua các cửa hàng chiêm ngưỡng chút ít, xem chừng nhớ không chịu được. Là thợ mài kính, mài hoa trên sản phẩm nên em muốn học tập chút ít đường nét, hoa văn của Tây. Họ qúa giỏi anh ạ.”
Vì là tay chủ thợ lão luyện ở Hà Nội vậy mà chưa nghe nói đến ông bạn này bao giờ, Dự nhìn anh ta từ đầu tới chân ngạc nhiên trước mái tóc sơ cứng bị gió thổi ngược về phía sau, làn da sạm nắng, tay nhám trai đầu đội chiếc mũ cối. Gặp ở vùng ngoại ô thì chắc hẳn là anh Hai lúa nào đó.
Chỉ thoáng lăn tăn lướt nhanh qua, hắn đưa tay bắt rồi mời ra bàn nước. Anh thợ tự giới thiệu tên Vũ, người Hà Đông, tốt nghiệp trường Đại học kinh tế quốc dân, có xưởng tư mài tranh kính tại gia. Sau hai tuần chè, thuốc khói um căn phòng câu chuyện bắt đầu rôm rả. Vũ hiểu biết rộng và có chuyên môn khá cao trong lĩnh vực mài tranh trên kính, mầy mò chế tạo ra cả máy mài ly cốc thủy tinh pha lê theo đơn đặt hàng. Lúc bấy giờ CH Séc đã thành lập công ty liên doanh gia công sản phẩm pha lê tại Việt Nam, mặt hàng được người châu Á và đặc biệt người Việt Nam ưa chuộng. Riêng lĩnh vực trang trí, mài tranh kính nghệ thuật thì ngay cả bên Séc người ta cũng thận trọng với số lượng nghệ nhân không nhiều, điều này làm Dự thích thú khi đàm luận. Vũ than phiền việc bán đá mài tự chế nhưng bị ế quá nên đi lang thang tạt vào cửa hàng (lại thêm một điều đặc biệt ở con người này), hắn bập vào tìm hiểu thêm vì đá mài nhập khẩu thường giá rất cao và không chủ động nguồn hàng. Là một chuyên gia thương mại trong nghề hắn hiểu cái khó, cái đặc thù của sản phẩm là ở chỗ phải kết hợp được cùng lúc một vài khả năng “đột biến gien” của con người.
Nhất nhất cần nghệ nhân khéo tay, có trình độ mỹ thuật cao, đam mê và phải có quan hệ, tài chính với các doanh nghiệp tiềm năng. Xét khả năng hiểu biết, bề dầy kinh nghiệm lại có cảm tình Dự nghĩ ngay đến việc chiêu mộ tay chiến binh này cho công ty nên lượn lờ vòng vo thẩm tra lý lịch, đời tư, gốc gác trước khi quyết định. Khi ra về Vũ hứa hẹn sẽ cùng hợp tác với hắn lắp máy, mở lớp đào tạo công nhân mài, khắc cơ bản.
Ít ngày sau quay trở lại, Vũ rủ Dự ra quán bia cỏ, lạc luộc vỉa hè tâm sự. Với chiếc xe đạp lọc cọc dựng bên cột điện, kéo cái ghế nhựa cáu bẩn của nhà hàng ra làm mâm đặt lên đó vài chiếc nem chua Thanh Hóa, Vũ bộc bạch tâm sự: “Thực ra em đã rất thành đạt khi chuyển hướng sang gia công kính mờ công nghiệp. Thấy lời cao, em mua vét luôn kho hàng của nhà máy kính Đáp Cầu, Bắc Ninh tập kết tại khu kho gần nhà và mở phân xưởng phun khắc. Cung không kịp với cầu…”
Rít hơi dài thuốc lá, ngửa cổ tận hưởng nửa cốc bia cỏ chẳng có tý bọt nào nhưng nhờ mấy viên đá to tướng nên mát lạnh Vũ trầm tư nói tiếp: “Tưởng hốt bạc đến nơi, nào ngờ ông nhà nước thay đổi chính sách bỏ thuế nhập khẩu kính tấm công nghiệp, thế là kính Tầu thành phẩm còn rẻ hơn kính thô của Việt Nam bốn năm giá ào ạt xâm chiếm thị trường. Em chết sặc tiết anh ạ. Hàng tồn kho, ế, vỡ, mốc dần thế là trắng tay…” Quay mặt ra phố, Vũ hờ hững nhìn dòng xe chạy tấp nập, bụi khói mịt mù leo qua vỉa hè, vượt đèn đỏ, lạng lách… mạnh ai người nấy sống, nuốt nước bọt, thở dài. Dự ái ngại động viên: “Ngành nghề tranh khắc trên kính của ông có triển vọng tốt lắm, đợt vừa rồi mình cùng tay đàn em từ Sài Gòn ra chuyên làm tranh stained glass đi khảo sát ở CH Séc gần một tháng. Cả hai thán phục sát đất công nghệ mới của Đức, Italy, Séc… mà đó mới chỉ là cưỡi ngựa xem hoa thôi đấy. Tài liệu mang về hàng đống. Lúc nào mình sẽ giới thiệu các bạn với nhau xem sao.”
Hai người gọi thêm cốc nữa xả nhiệt trong cái nắng xiên khoai oi ả về chiều, xung quanh các bàn đã chật kín khách chuyện trò huyên náo, văng tục chửi bậy thả phanh. Thấy Vũ vẫn ngồi im tư lự, Dự tò mò hỏi han: “ Ông có tâm sự gì sao, hay là bị “thủ trưởng” phạt vi cảnh rồi?” Được lời Vũ giãi bày: “Hôm nay em qua đây để chào anh, mai ngày em phải tạm lánh đi Sài Gòn rồi, nợ nần bị họ siết kinh qúa. Vừa sửa xong cái nhà kẹt đủ đường lại còn đang bị dọa bắt thế chấp nữa. Mất nhà chỉ có mà đưa con cái ra đê thôi. Chó cắn áo rách lúc này mới thấm thía anh ạ.”
Hắn nghe vậy lặng im, cũng chỉ để biết thế thôi chứ bản thân có hơn mấy ai mà lo cho thiên hạ. Ốc không mang nổi mình ốc còn đòi mang cọc cho rêu.
Vũ lưỡng lự định trả tiền để ra về bị Dự gạt phăng đi: “Ông cứ để đấy tôi, uống thêm cốc nữa hãy giải tán, còn sớm chán”. Hắn bắt đầu tả chi tiết hơn về các công nghệ của Séc làm Vũ háo hức, tự tin với khả năng sáng tạo và khéo léo vừa làm vừa mầy mò học hỏi của mình, từ trước tới giờ có ai dạy đâu, toàn tự đọc sách, tự thực hành và học mót của người đi trước. Nhưng nghe vậy thì qủa là mới mẻ và đòi hỏi đầu tư công nghệ cao rồi. Hai bên cùng nâng cốc lần nữa. Chợt Dự dừng lại nhìn thẳng vào mắt Vũ bất ngờ hỏi: “Ông nợ người ta bao nhiêu, khi nào thì phải trả?” Vũ cứ như cái máy phát trả lời: “Ba bốn chủ nợ, gần trăm triệu, người ta cho trả dần nhưng có một chủ đòi riết qúa, hơn hai chục triệu, em đành phải bùng vì ngày kia đến hạn rồi. Tụi nó thuê xã hội đen, không trả cũng bị ăn đòn tới chốn.” Vũ ngao ngán ra mặt.
Hình như bia hôm nay phê phê hơn mọi lần... Cũng có thể do uống nhanh hay do trời qúa nóng, mệt mỏi trong người. Dự đanh mặt lại suy nghĩ rồi đột ngột qủa quyết: “Ông bảo người ta đến gặp tôi làm cam kết, tôi sẽ bảo lãnh cho ông vay số tiền đó, sau này cộng tác với công ty trả dần trong một năm. Chúng ta mở xưởng, dựng máy, ông đào tạo dăm công nhân mài, phun khắc trình độ cơ bản. OK thì ta làm hợp đồng.” Như hạn hán gặp mưa rào, Vũ chỉ còn biết chớp chớp mắt, nắm chặt tay hắn giọng trầm hẳn xuống cảm ơn và không quên hứa hẹn hợp tác dài lâu...
Ngày hôm sau nữa mọi việc diễn ra như kịch bản, tiền trao cháo múc. Thoát cái hạn kề cổ, Vũ chuyển luôn mấy chiếc máy “ngựa trời” tuy cũ kỹ nhưng chắc chắn, hiệu quả cao của nhà đến xưởng rồi tuyển nhân viên vào lớp học. Nửa năm qua đi đám thợ thuần thục, công việc ngập đầu, triền miên.
Từ lúc lò dò thuê cắt từng chiếc đề can ngoài hiệu hỏng lên hỏng xuống, cứng nhắc, chậm tiến độ, công ty Dự đã có vài chuyên viên vững vàng thiết kế trên CorelDRAW, vận hành máy cắt chữ và phun khắc 3D thành thạo. Vũ trở thành đốc công phân xưởng, sau giờ phóng ngay về nhà đôn đáo làm thêm đủ mọi công việc miễn sao có đồng ra đồng vào trang trải nợ nần và nuôi đàn con nhỏ. Lâu lâu thấy Vũ hay ngồi buồn, hắn nhân tiện năm xu bia một đồng lạc hỏi han. Vũ gãi gãi đầu, nhấp ngụm bia thành thật: “Em cũng định nói với anh rồi nhưng ngại qúa. Anh giúp vậy mà đã làm được gì nhiều cho anh đâu… Nói thật nếu không được anh bỏ qua cho nhé, em định dành thêm thời gian nghiên cứu phát triển mấy cái dự án mà anh em trao đổi độ trước, kẹt nỗi ít thời gian, nợ nần và vì miếng cơm manh áo cho các cháu không còn tâm trí, sức lực nữa. Em định xin nghỉ ở công ty, khi nào có việc gì gấp anh gọi em ra ngay…” Vũ cảm thấy như có lỗi quay mặt đi tránh cái nhìn thẳng của Dự.
Kể ra có Vũ hắn làm được nhiều việc và đỡ phải quản lý cái đám công nhân từ nông thôn ra, lôm côm, vô kỷ luật, xểnh ra là làm hỏng hàng, luộm thuộm, bừa bộn. Nhưng cũng đã đến lúc phải vậy thôi, một con người năng động sáng tạo và nhiệt huyết như Vũ mà phải ngồi cả ngày trong cái xưởng hơn chục mét vuông với công việc đơn điệu nhàm chán và quan trọng hơn cả là ba đồng, ba cọc làm sao mà chịu nổi.
Để giải tỏa cho cả hai bên, Dự cao giọng: “Được rồi, ông thẳng thắn nói như vậy tôi cũng nhất trí xong hãy luôn nhớ ông là một thành viên của công ty đấy nhé. Tai gần qua nạn gần khỏi rồi, hãy cố gắng và đừng mắc lại sai lầm nữa. Bao giờ thành đạt đừng quên mời tôi món nộm bò khô đấy!” Hai thằng bắt tay nhau rất đàn ông. Mấy ngày sau Vũ chính thức xin nghỉ…
Thị trường thủy tinh pha lê ngày càng sôi động, có lúc bán chạy như củi nỏ, tôm tươi. Sinh nhật, tân gia, hội nghị, tổng kết, qùa mừng sếp, đút lót hối lộ đều dùng đến pha lê. Món qùa lịch lãm, hình ảnh trong sáng, long lanh, cao thượng, hàng ngoại 100%. Dự bận rộn như con mọn, trang bị máy móc tân tiến, công nghệ cao, thậm chí nhập thẳng từ Mỹ, Anh, Đức.
Được gần một năm, qua internet hắn thấy xuất hiện công ty kính COVA với các sản phẩm điêu khắc trên kính tinh xảo, đường nét nghệ thuật na ná giống như của Vũ năm xưa đang rất được thị trường ưa chuộng nhưng có phần chuyên nghiệp, chế tác hàng loạt, tín hiệu của một cơ sở đầu tư lớn và thành đạt.
Nhân dịp vào Hà Đông thăm người họ hàng, Dự tạt qua quán "Hùng Nộm" thịt bò khô nổi tiếng làm mấy đĩa rồi ghé chơi nhà Vũ. Rất bất ngờ cả nhà Vũ chưa đến 20m2 đã trở thành một công xưởng với hàng loạt máy móc, cái nọ đan kết vào cái kia chật hẹp nhưng ngăn nắp khoa học vô cùng. Vẫn nụ cười ấy, vẫn khuôn mặt ấy nhưng có phần khắc khổ hơn, tất bật, tóc dài ngang vai, râu ria lổm nhổm. Vũ rất vui mời chào: “Ôi ông anh, rồng đến nhà tôm rồi”. Mọi việc được dẹp nhanh gọn để tiếp khách quý. Nước chè Thái, bao thuốc Vinataba và vài điếu 555 được mua lẻ để trên đĩa nhỏ. Vũ vẫn còn nhớ gu của Dự là “ba số” mà. Anh em hàn huyên chuyện trên trời dưới đất, khói thuốc tùm lum. Rất hể hả Vũ khoe: “Anh xem đây, em sài được vi tính, vẽ trên CorelDRAW, máy cắt Mimaki rồi nhé. Trước toàn trích, bổ thủ công chậm lắm. Mấy lần ra nhờ các cháu hướng dẫn mà không thấy anh.” Cô con gái mới tốt nghiệp Học viện Ngân Hàng đang chăm chú, miệt mài ngồi bên máy vẽ giúp bố. Chị vợ nhỏ nhói, cười dịu dàng rót nước mời khách, còn một cô nữa ngồi tiếp cùng, săn săn đón đón, phán phán xét xét (được biết là bà hai). Quanh nhà hàng trăm tấm gương, kính khắc, phun chờ xuất xưởng. Mấy bức treo tường qủa đã đạt tới trình độ nghệ thuật cao mà hắn từng xem tại những hội chợ quốc tế chuyên ngành lớn như Düsseldorf (Đức), Praha (CH Séc), Singapor, Thượng Hải (TQ).
Phải công nhận cả gia đình lao động cần cù và chịu khó, đang thiếu chút may mắn mà thôi, nhưng có lẽ họ đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong đời khi các hợp đồng liên tục được thực hiện từ Bắc tới Nam. Công xưởng của Vũ đã có vài chục công nhân, máy móc hoàn chỉnh ra dáng chuyên nghiệp.
Dự nhớ lại cậu đàn em từ Sài Gòn ra năm nào từng là cao thủ trong làng tranh kính (Stained Glass) nhờ đi làm thuê cho công ty của Đài Loan mà học mót được mấy chiêu rồi đưa thêm công nghệ phun cát vào, khi thấy những bức khắc họa 3D của Vũ vẫn phải trầm trồ khen ngợi, mua ngay mấy tấm về để trưng bày, học hỏi.
Vũ đã trở thành nghệ nhân của cái “làng tranh kính điêu khắc” này từ lúc nào rồi. Thời bấy giờ chỉ có một không hai. Sau này các thế hệ nhân viên đàn em từ lò COVA, Bohemia bung ra, lấy thương hiệu mới, có kẻ còn chạy sang Trung Quốc mua thành phẩm về kinh doanh, tiếp thị, quảng cáo rùm beng. Cạnh tranh theo kiểu treo đầu dê, bán thịt chó.
Dự đem chuyện kể với mấy tay bạn Séc chuyên gia thủy tinh đang công tác tại Việt Nam. Tụi nó ngạc nhiên lắm vì khắc 3D trên kính đâu có phải chuyện đùa. Ở Séc cũng chỉ có một vài chục người là cùng. Giỏi lý thuyết chưa chắc đã giỏi tay nghề và ngược lại. Cả bọn xin đến “mục sở thị”, ghi hình.
Khi chứng kiến trong căn phòng chật hẹp, Vũ gia cố tấm gương tráng bạc dày ba ly, dài 1,5m rộng 0,8m lên dàn dây chun rồi áp xuống đá mài từ mặt ngược lại không cần bản vẽ nháp thì mấy cậu Tây chỉ còn biết há mồm kinh ngạc, quay video lia lịa và hỏi han các kinh nghiệm, ghi ghi, chép chép. Tấm kính uốn éo bay lượn, cong lên cụp xuống nhiều lúc tưởng muốn vỡ tan vẫn ngoan ngoãn theo cánh tay huyền thoại của ông chủ hiện dần ra những bức tranh sơn thủy hữu tình, thủy mạc lung linh, rồng bay phượng múa. Qua công nghệ làm bóng cơ là việc phủ sơn nghệ thuật theo từng lớp ngược lại. Lật mặt gương ta có bức tranh hoàn hảo. Sản phẩm thường dùng lắp vào tủ lệch, bàn phấn, bình phong mà trên thị trường các nhà buôn bắn thêm tý mác mỏ tiếng Tây rồi khẳng định như định đóng cột: Hàng nhập ngoại.
Không ngoại sao được khi bản thân mấy ông Tây vừa ghi hình vừa suýt xoa khen ngợi, sờ mó tận tay. Nếu là ở môi trường ngoại hay được trang bị phương tiện hiện đại, chuyên nghiệp thì không nói làm gì, Vũ với hai bàn tay trắng, một thời nợ nần như chúa chổm có lúc phải nghĩ tới chuyện bùng đi đâu đó xù nợ đã phục hồi trở lại, khẳng định trình độ và quyết tâm của người nghệ nhân từ lâu chưa có đất dụng võ.
Vũ vẫn giản dị, khiêm tốn và cặm cụi như hôm nào. Cả nhóm được anh mời ra quán chiêu đãi thịt chó bảy món, mắm tôm, cuốc lủi ngâm ba kích chém chú chén anh tới khuya. Loại “vitamin gâu gâu” này với cái chất màu tim tím tiết ra từ chai rượu “nhà trồng được” hơn hẳn Viagra mà chính Tây từng quảng bá, tuyên truyền.
Một lần ngồi bia bọt lai rai với Dự, Vũ tâm sự: “Em nghĩ đã đến lúc mình phải xây dựng thương hiệu và danh tiếng mới phát triển được. Người thật việc thật đấy nhưng có ai biết ông Vũ là ai mà phỏng vấn mà marketing!” Bia Bohemia ngon, đồ nhậu tốt hắn phán ngay cho Vũ một câu xanh rờn: “Phải đấy, chú làm hàng đi rồi đưa ra hội chợ, triển lãm ngành vật liệu xây dựng, tôi có người quen.” Dự lôi con Jeep Mỹ, hàng độc của mình ra chở Vũ đến nhà sếp cho oách. Của đáng tội là sếp to thật. Vừa vào đề, lại nghe giới thiệu về lĩnh vực nghệ thuật mà ông đang thích này, sếp phán luôn: “OK tớ sẽ lobby cho các cậu. Chuẩn bị hàng đi, tớ đặt luôn một chiếc bình phong cho căn hộ mới xây đang bí phần bố cục nội thất.” Tháng sau, ngăn cách phòng ăn và phòng khách của sếp là một bức tranh kính hoành tráng khắc họa tích cổ đẹp như trong mơ. Từ hội chợ về, Vũ hoan hỉ mang theo chiến công đầu đời: Cúp vàng VTOPBUILD và Huy chương vàng sản phẩm vật liệu xây dựng từ hội chợ Vietbuild đến “rửa” và báo cáo mừng công với sếp.
Con đường kinh doanh và nghệ thuật rộng mở phía trước, Vũ đi từ kết quả này sang thành công khác. Hình ảnh của Vũ COVA xuất hiện khắp trang mạng, trong các chương trình truyền hình Hà Nội, quốc gia. Năm nào Vũ cũng “ẵm” về một hai chiếc cúp, bằng khen, huy chương, danh hiệu. Cơ sở mở rộng thêm, mua sắm ô tô, trang thiết bị hiện đại và sửa sang lại nhà cửa khang trang, lịch sự.
Nghe nói Vũ đã “dứt điểm” với bà hai và được sự đồng thuận của bà cả tổ chức rước cô ba về cho “vui cửa vui nhà” mà đỉnh điểm của sự may mắn đó là một cậu ấm đích tôn chào đời. Mong ước nối dõi tông đường bao lâu nay của dòng họ.
Dần dần sản phẩm tranh kính 3D sảnh, trần, bình phong nội thất cho biệt thự, hotel… sử dụng nguyên liệu cao cấp chịu nhiệt, chịu lực đã lan sang phục vụ cả đề tài phật giáo, nhà thờ được thị trường ngưỡng mộ.
Thêm một lần cảm phục tinh thần và ý chí quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp, Vũ liên tục nhận được danh hiệu doanh nhân 1000 năm Thăng long Hà Nội, người có bàn tay vàng, Nhà sáng lập nghề kính điêu khắc Việt nam, được cấp Bằng sáng chế tranh khắc kính nghệ thuật, Nghệ nhân làng nghề tranh kính Việt Nam.
Mới đây Vũ chính thức trở thành Viện phó Viện nghiên cứu ứng dụng tranh kính vào cuộc sống. Niềm vui, tự hào trên khuân mặt tươi tắn, hồi xuân nhưng trách nhiệm và cả bao lo toan cũng lại ập lên đầu người “Nghệ sỹ” tài hoa này. Đã là nghệ thuật thì không thể đại trà, ồ ạt theo kiểu hàng chợ rẻ tiền như năm xưa. Các tác phẩm nguyên bản của Vũ toát lên vẻ đẹp sang trọng, đại diện cho các trường phái hiện sinh, lập thể, trìu tượng và phóng khoáng hiện đại, đường nét qua bàn tay nghệ nhân sắc sảo, độc đáo chứa đựng bên trong tâm hồn, khát vọng của con người hướng tới cái đẹp chân, thiện, mỹ.
Hôm nay với thương hiệu COVA trên các trang website, blog, FB, tạp chí, VTV… sản phẩm của “Vũ nghệ nhân” vươn tới mọi miền đất nước, mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, được cả người nước ngoài ưa chuộng, sưu tầm.
Cuộc hội ngộ định mệnh năm xưa đã làm thay đổi cách nghĩ, động lực hướng nhìn ra thế giới đa chiều: kinh tế, nghệ thuật, tư duy sáng tạo. Nền văn minh nhân loại được khai thác triệt để nhờ quyết tâm, dàm nghĩ dám làm không nản lòng, lùi bước trước thất bại. Cánh cổng vào thế giới tranh kính mở toang đưa sự sáng tạo của “Vũ nghệ nhân” lên tầm cao mới. Những motiv, ý tưởng, sự rung động từ nghệ thuật pha lê của xứ sở Bohemia kết tinh thăng hoa trên thành qủa lao động mà COVA có được ngày hôm nay. Dự đã vô tình trở thành xúc tác, kích hoạt thông qua sự động viên, thăm hỏi, khích lệ… đóng góp vào thành công đó. Một điều Dự cảm thấy tiêng tiếc đó là việc COVA chưa thuyết phục được giới nghệ nhân, họa sỹ của các trường mỹ thuật, viện nghiên cứu khoa học, các tổ chức ngành nghề liên quan cùng hợp tác củng cố thêm phần lý thuyết nâng thế giới tranh kính lên tầm cao mới. Hình như người ta tự phụ cho rằng phải có bằng cấp, trình độ nào đó mới có thể ngồi chung với họ đàm luận chuyện trên trời dưới đất. Dự nghĩ khác, mấy ông chỉ lý thuyết suông, phán lắm, phê nhiều mà chẳng ra sản phẩm thì có giải quyết được vấn đề gì đâu, thùng rỗng kêu to. “Vũ nghệ nhân” vẫn phải đơn thương, độc mã trên con đường gian khổ nhưng cũng rất vinh quang này – Nghệ thuật.
Vũ cần thêm chút may mắn nữa và chớp đúng thời cơ dẫu đang ở vị trí hàng đầu vì nói gì đi nữa “Có thực mới vực được đạo”. Dự không dám chúc Vũ và COVA giàu có tới mức nào nhưng thành tâm đón mừng ở họ những tác phẩm nghệ thuật có giá trị để đời và cuộc sống gia đình an khang thịnh vượng.
Ai đó đã chiêm nghiệm: “Con người cũng như sách vở trên đời chỉ một số rất ít để lại danh tiếng, giá trị nào đó, phần còn lại rơi vào số lượng mà thôi.”
Viết bình luận: