GIÓ XUÂN

GIÓ XUÂN

Đời con gái có ai quên nổi ấn tượng cuộc đời ở cái tuổi 18 đôi mươi, bỏ cái nghề khâu nón ở quê lên thành phố tìm việc làm. Cũng từ ngày đó tôi gặp ông, tuổi ngoài 30 tràn đầy nghị lực, thân hình tầm thước, da ngăm đen, săn chắc, ít nói, suốt ngày lọ mọ với công việc, nhiều bữa bỏ cả cơm, hết mài mài lại ngắm ngắm nghía nghía. Chị vợ nặng tai cũng tất bật lấy cái này nhặt cái kia phục vụ chồng, rồi lại quét quét dọn dọn không mấy ngưng tay, ấy thế nhiều lúc còn bị mắng. Cô con gái khoảng 5, 6 tuổi gì đấy, học bài xong là rời gác xép xuống cạnh bố học mài.Trong nhà chỉ có bà cụ về hưu là suốt ngày dưới bếp chẳng ai tâm sự, ăn uống cái gì đều do bà quyết. Vừa mới nhập gia, chưa được đi đâu, tôi phải vùi đầu vào công việc. Lúc thì rửa các tấm tủ ly do ông vừa mài, khi thì cho gương tủ đứng vào khung gỗ buộc lại để treo như chiếc lò xo để đỡ cho ông mài... Trên Hàng Thiếc khách có hàng mới lạ bán đắt như tôm tươi.

Việc mỗi ngày một nhiều ông làm không xuể, nhiều hôm mài đến 2,3 giờ sáng, chỉ còn tôi với chị là làm theo ông. Mấy hôm sau ông mang ở đâu về hai cái máy mài nữa, căn nhà vẻn vẹn 16 mét vuông, kê máy thì không có chỗ ngủ. Có ai mài đâu mà rước máy về ?!..Lúc sau người ta mang đến hai cái bàn tủ 1,2m x 1,2m,nối với nhau thành bàn cắt gương,cắt kính. Cái tủ tường đẹp thế mà ông bỏ đi hai phần để lấy chỗ kê máy. Từ hôm đó tôi lên gác xép ngủ với bà cụ và cô con gái. Ông bà chủ ngủ trên bàn cắt kính. Hôm sau ông dành buổi sáng bắt tôi và chị vợ học mài. Được nhìn cách mài nhiều lần của ông chúng tôi học rất nhanh, phần thì thương ông vất vả, phần thì muốn kiếm nhiều tiền, cảnh nghèo nhà quê thấy ông kiếm tiền như máy in, mài có 5 phút được một đôi kính tủ là có 5 nghìn đồng, bằng tôi khâu nón cả ngày. Ba người chăm chỉ làm, một ngày cũng được hơn trăm bộ.

Làm chưa được một tháng, ông nhận thêm hai học trò cũ từ thời làm gốm sứ ở Tây Mỗ, cậu con trai tên là Bẩy, hơn tôi vài tuổi, cô bạn gái tên là Loan, chạc tuổi tôi, nhưng chúng tôi cứ xưng hô như cá mè một lứa. Hai thợ mới được ông dạy mài hoa đồng tiên, hoa cúc, cẩm chướng, đèn lồng, còn tôi với chị thì mài hoa nho, chim công, nói chung là những việc khó hơn. Năm nguời làm đều tay cho lên việc cũng chạy. Càng nhiều mẫu càng bán đắt hàng. Anh tuấn hàng xóm vê giải ngũ sang xin làm một chân, được làm việc với ông chủ điềm đạm, sòng phẳng, ai cũng nhiệt tình, tự giác. Tôi nghĩ cứ cái đà này chẳng mấy ông chủ giàu to.

Ông bắt đầu nhàn hạ không phải lo mài kính, chỉ còn việc nhận gương, kính người ta chở đến, cắt thành tấm nhỏ theo quy cách. Ông cho sửa gian bếp và cơi nới thêm ra phía đằng sau. Bạn bè khuân vác các cục đá lớn ngoài đường về làm móng, mấy anh em xây cao lắm, lại còn mua sắt đổ mái bằng. Chúng tôi không hiểu tại sao ông không xây nhà mà mang tiền ném vào cái bếp cho lãng phí. Việc gì ông đã quyết thì không ai trong nhà ngăn cản, chị vợ không lên tiếng thì tôi đâu dám, nhưng trong lòng bức xúc thay. Có lẽ do cách sống bình dị thường ngày của ông khiến tôi thấy mình trở thành người trong nhà không biết từ bao giờ. Tôi làm thay ông được khối việc, đi giao hàng trên phố, nhiều lúc hai chị em hạ tấm gương to xuống bàn để cắt, lúc thì lên Hàng Cá hoặc chợ trời để tìm mua vật tư, ngay cả việc thanh toán tôi cũng làm nốt. Tôi cần mua cái gì ông bà cũng cho tôi tự quyết đinh. Thấy mình ngày càng quan trong trong căn nhà nhỏ bé tôi thấy sung sướng và tự hào... Nhận tiền lương, mua về cho mẹ ở quê cái áo len dệt máy khi trời trở gió, lúc mua tấm vải lụa cắt cho mẹ chiếc áo thu hè, tôi thấy mình không còn bé bỏng như hồi mới ra. Tôi cũng như những người thợ trong nhà được ông truyền cho cái lửa yêu nghề mài từ lúc nào không biết.

Cái bếp xây xong ông ngăn làm hai, cửa bếp đi lối sau còn căn phòng rộng hơn được ông chế loằng ngoằng, khó hiểu, dây vòi nhựạ, ống nước chi chit ... Đến khi người ta mang đến hai cái máy lốc điều hòa to như hai con lợn nhỡ thì chúng tôi mới biết ông chuẩn bị làm phun cát. Ông với người bạn thân làm cơ khí suốt ngày lăn lộn với với công trình mới, mấy hôm sau ông cầm mảnh kính mờ khoe với tôi cười tươi rói “anh thành công rồi em ạ”

Tôi không biết việc đó dễ khó thế nào cũng gật đầu a dua cho ông khỏi cụt hứng. Trong tôi chỉ nghĩ rằng cái gì mà ông chẳng làm được. Tôi rất lo lắng không biết ai sẽ làm công việc này. Thế là từ đó ông dạy tôi cách vận hành máy. Khi nào van tự xả xì hơi thì báo cho ông ở trong phòng mở vòi khí phun cát. Tôi như một thiết bị tự động gắn với máy phun cát tự chế rất sơ sài, còn ông thì ôm cái bình cứu hỏa đựng cát để phun… .nghĩ dại cái bình mà nổ thì ông tan xác pháo, trong lòng tôi thấy lo lắng, hoảng hốt giật mình mỗi khi nổ vòi, bật giắc buộc ... Một tuần trôi qua chậm chạp, ông làm được đủ hàng mẫu kính mờ. Chúng tôi lấy xe đạp đèo nhau lên phố chào hàng. Đầu tiên là nhà Tuấn Đoán, Hằng Tài hợp đồng mang kính trắng vào phun cát. Về sau nhà Lan Căn, Việt Phượng, Tuấn Hồng, Hải Thắng, Thành Láng là những nhà đại lý gương kính lớn nhất Hà Nội cũng vào đặt hàng nhưng chỉ có hai nhà đầu tiên là được giảm giá. Hai người em ruột của ông là Hùng ,Nhung với hai người thợ mới đến làm việc phun cát, rồi nhiều thợ này thợ khác đến, giờ không còn nhớ nổi tên tuổi nữa. Mỗi ngày hai ba xe tải đến chầu chực đợi lấy hàng.

Ông bắt đầu ít ở nhà, có khi vắng nhà hai ba ngày. Mọi việc tôi cũng quen làm không thấy vất vả nhưng lại thấy trống trải, đứng ngồi không yên. Tôi ước ao được theo ông một lần đi xa mà không dám nói ra. Rồi một lần chị vợ như đoán được xin ông cho đi theo để biết Hải Phòng. Mấy người thợ gần bên xin hộ cho “bà hai du lịch một chuyến”. Mặt tôi đỏ bừng quát đám thợ đừng ăn nói vớ vẩn…nhưng trong lòng có cái gì đấy đang rạo rực. Không biết họ gọi tôi là bà hai từ bao giờ, tôi chột dạ không dám đi nữa mặc dù chị và anh đều đồng ý. Từ ngày đó tôi hạn chế kề cận bên ông, nhiều lúc lơ đãng bị hỏng việc… Lúc này chị vợ chửa to, nhiều việc tôi làm thay. Rồi cũng đến cái ngày chị sinh nở cháu gái xinh xắn có cái tên Hồng Ngọc. Tôi tranh thủ công việc nhanh chóng rồi lại ở bên cạnh chị, chúng tôi thân nhau hơn là chị em ruột. Thời gian này ông quá tất bật, làm tranh kính để cung cấp cho anh Thanh đại lý ở 365 đường Láng.

Công việc mài tranh khó lắm, không ai làm thay được, cậu Hùng và thằng cháu Hòa ở Quảng Ngãi ra học làm tranh đã hơn hai tháng mà vẫn không được. Ông cầm tấm kính dày 5mm tỳ lên viên đá mài quay tít, lái qua lái lại như tài xế xoay vô lăng, chỉ một vài tiếng sau là hình thù bức tranh hiện nổi trên tấm kính. Thời đó tranh Bác Hồ, tranh rồng, tranh quan âm bồ tát là bán chạy nhất. Tranh tứ bình, tranh đông hồ mài trên kính bán chậm hơn. Ông lên Hàng Hòm mua giấy đề can về dán lên kính, hí húi vẽ bằng bút dạ, sau đó dùng bút điện nhọ đầu của thợ hàn khắc theo nét vẽ. Không biết ông học vẽ từ bao giờ mà nét vẽ đẹp đến thế. Sau đó ông cho vào phòng phun cát, từng chi tiết tranh bóc ra và phun cát lồi lõm, bức tranh kính hiện ra đẹp đến ngạc nhiên. Tranh long cuốn thủy với con rồng uy nghi phun nước, cá chép dương vây vượt sóng nhào lên. Một lần nữa tôi thấy ông hoan hỉ, khuôn mặt ông bừng lên lộ vẻ vui sướng quá độ. Trong lòng tôi cũng rạo rực niềm vui. Tôi muốn nhảy lên để ôm chầm cái thân hình ma lực, nhưng kiềm chế cảm xúc, cầm tấm tranh xoay người dựa vào ông. Tôi muốn giữ mãi giây phút đó. Ông quyết đinh lấy tên Hồng Ngọc đặt tên cho xưởng, nhưng sau đó lại đổi thành COBA. Người miền nam thường gọi con gái thứ hai là cô ba. Ông nói Coba còn là hãng gương kính nổi tiếng Đông dương thời xưa, cái tên nghe cũng tây tây, người Việt mình lại sính đồ ngoại.

Tranh kính COBA nổi tiếng từ đó. Bức tranh kính 10mm khổ lớn khắc hình long phượng bán cho anh Tuấn số 6 Hàng Mành đầu tiên, đến nay nhìn vẫn đẹp. Ông mở thêm hai xưởng sản xuất kính mờ và khắc tranh trong làng Đơ cạnh nhà. Xưởng COBA tấp nập khách ra vào. Ông nghĩ đến chuyện mua máy cắt tự động, máy vi tính để làm đỡ công việc thường ngày, ông nhờ anh Lộc thân quen trên phố Lãn Ông dẫn đi mua. Từ khi mang máy tính về, ông miệt mài đọc sách, tập vẽ trên máy. Ông học vẽ trên máy tính cùng con gái lớn đang học lớp 9, lại giỏi tiếng Anh, nó học nhanh hơn làm đỡ cho bố nhiều việc phần tin học. Tôi thử ngồi máy nhiều lần như không sao học được, tôi cảm thấy mình vô tích sự, không gúp được ông. Mọi việc của tôi có người làm thay hết, còn mỗi việc thu tiền.

Chị lại sinh thêm cháu gái, tôi lại có việc bận rộn…rồi lại cháu gái thứ tư… Người ta nói tứ nữ bất bần, tôi động viên chị đừng buồn làm gì, sau này con gái có giá lắm. Chị bảo số chị không sinh được con trai, hay em ở đây với chị để sinh cho ông ấy một cậu cu tí, hai chục tuổi lấy chồng được rồi. Tôi bảo ông ấy không yêu em đâu, ông chỉ yêu tranh kính thôi.

Mùa kính năm nay đến muộn, tháng chín rồi mà không có khách, thợ thuyền sản xuất kính mờ chất kho hết kiện này đến kiện khác, không còn chỗ mà chứa. Vừa mới đầu tư làm lớn, mất hơn tý bạc vào công nghệ, không kiếm được thì chỉ mang máy bán sắt vụn… Không có người mua. Sang đến tháng 11 vẫn không có đại lý gọi hàng, ông cho tất cả hơn ba chục thợ thuyền nghỉ hết. Tôi ở lại như một ô sin đếm thời gian trôi. Tôi muốn kiếm việc gì đó để làm nhưng lại rất sợ phải xa ông. Bà dì ruột ngoài Hà Nội nhờ tôi ra trông cháu, thỉnh thoảng tôi mới được gặp ông, những lúc gần nhau tôi cố tìm chuyện để hỏi, để được nghe giọng nói ấm áp truyền cảm của ông. Ông gấp hai lần tuổi tôi nhưng tôi thấy bình thường, nhiều bạn bè hơn nhau vài tuổi thì tôi nhìn chúng quá trẻ con bồng bột. Tôi cố chờ ông một câu nói …

Bẵng đi một tháng tôi không về, cố ý thử xa nhau lâu lâu xem ông có thay đổi cảm xúc không. Ở xa nhiều đêm tôi thức trắng, có lúc như người điên, cáu giận không cần lý do. Một tháng đằng đẵng cũng trôi qua. Hôm ấy tôi định về bất ngờ, định hù dọa cho ông giật mình. Gần tới nhà, tôi ngồi quán nước đầu ngõ, mấy người quen chạy tới tranh nhau nói “Ông ấy phá sản rồi, kính cán mờ trung quốc bán rẻ lắm” … Tôi lao vào nhà để xem thế nào. Ông không có nhà, chỉ có mấy mẹ con, bà cháu trong căn nhà cấp bốn đang ngồi ở cái chiếu cũ sờn mép giữa nhà, trên gác xép các bọc quần áo đựng trong túi ni lông. Chị rớm nước mắt kể chuyện. Con nợ kéo đến bắt hết đồ, còn dọa đánh dọa giết nếu ông không trả nợ. Nước măt tôi nhòa đi, sao lại đến nông nỗi này? Tôi hỏi ông đâu, chị bảo ông đi bán công nghệ ngoài sao thủy tinh, cửa hàng của anh Dũng, có lúc thì dựng máy cho ông Trung Trắng ngõ Văn Chương ... Mấy hôm sau đợi biết ông có nhà tôi mới vào. Ông gầy và đen nhiều lắm, vẫn cái thói quen cởi trần mặc dù trời rét căm căm, nhìn người ông ngót đi cơ bắp như thu lại, tôi thấy xót xa, mắt tôi lại nhòa đi. Ông đang pha các can hóa chất vào nhau, sợ bắn axit làm hỏng quần áo. Thương ông đang ở hoàn cảnh khốn đốn tôi như phát điên, chạy vào nhà tìm cái áo khoác nhưng ông bảo xong rồi không cần đâu. Mấy hôm nay ông mua được hóa chất và nghiên cứu thành công hai công nghệ hóa trong và hóa mờ kính trắng và các vết mài. Ông bảo đây là bảo bối để lấy lại những gì đã mất. Ông thật là lòng gan dạ sắt, phá sản mà còn bình tĩnh nghiên cứu, sáng chế. Ông nói khi nào cần thì gọi tôi. Nhưng tôi biết ông không bao giờ gọi tôi nữa, đàn ông hay sĩ diện hão. Tôi nghĩ đã đến lúc mình không cần giữ ý làm gì, muốn lao vào để cùng ông làm lại từ đầu. Tôi không cần lương hậu, chỉ cần ngày hai bữa, no đói không quan trọng. Nhưng hình như ông đoán được ý định, báo là việc này em không thể làm được, phải học đại học mới làm được. Tôi không có lý do để quay lại…

Năm mới đã đến tôi dành dụm được vài triệu mang về để cho ông trả nợ, ăn tết. Nhưng ông nói các dì, các cô mua sắm đủ rồi không phải lo, tôi phải khóc lên thi ông mới đồng ý nhận mội triệu để trả tiền học chịu hai tháng của mấy đứa con…Sau lần đó tôi theo anh trai vào Sài Gòn làm ăn rồi lấy chồng anh ấy làm sơn mài, từ đó không còn quan tâm ông được nữa. Tôi sinh được một trai mội gái, hai đứa đều có năng khiếu hội họa và điêu khắc, chúng tôi rất hạnh phúc, nhưng đôi lúc có những khoảng vắng, nhớ lại những ngày đó tôi chỉ còn hít một hơi thở thật dài mà chìm đắm trong cảm xúc.một cơn gió xe lạnh từ bên cửa sổ lay khe khẽ cành mai khẳng khiu trở đầy bông vàng.
(Bảo Sơn, 12/6/2012)

Viết bình luận:

 
vinhcobaartglass vinhcobaartglass