ANTĐ - Vẽ một bức tranh bình thường đã đòi hỏi nền tảng kiến thức về nghệ thuật thì tranh kính - tập hợp của điêu khắc, hội họa và cả kỹ thuật cực kỳ tiên tiến lại càng yêu cầu tay nghề và trình độ cao. Người sáng tạo ra dòng tranh độc đáo này không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới là nghệ nhân Phạm Hồng Vinh. Còn được biết đến với cái tên Vinh “Côba”, người vốn xuất thân không liên quan gì đến nghệ thuật.
Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh và bức “Mai Lan” vẽ bằng sơn móng tay
Những ý tưởng ngược đờiÍt ai biết được những bức tranh kính đầu tiên ở Việt Nam lại được vẽ từ màu sơn móng tay. Khi bắt đầu làm tranh kính từ cách đây hơn 30 năm, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh tâm sự, ông đã phải tự tay chọn mua những lọ sơn móng tay có giá 25 đồng/lọ chỉ 1cc, khi đó rất tốn kém vì để làm ra được một bức tranh cần đến vài chục lọ sơn như vậy. Sở dĩ là sơn móng tay bởi vì ở Việt Nam lúc đó không có loại sơn nào có thể bám màu trên kính. Từ những lọ sơn móng tay này, ban đầu nghệ nhân Phạm Hồng Vinh chỉ làm được những bức tranh khổ nhỏ, nhưng đường nét, màu sắc đều rất thanh thoát, không thiếu sự tinh tế. Và một trong những bức tranh đầu tiên còn được làm bằng phương pháp này là bức “Mai Lan” - hiện được ông lưu giữ như báu vật trong nhà. Tốt nghiệp khoa Kế toán Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng ông sớm có niềm đam mê với những sản phẩm nghệ thuật ứng dụng. Trước khi làm tranh kính, ông có một thời gian theo đuổi nghề làm tranh sứ. Tuy nhiên nghề sứ phá sản, từ năm 1990, ông tự nghiên cứu một lĩnh vực hoàn toàn mới - nghề làm tranh kính.Ở thời điểm đó không có bất cứ công nghệ gì hỗ trợ nghề này, bởi vậy để làm được tranh kính, ông học hỏi công nghệ đá mài kính của Tiệp Khắc. Để làm được một bức tranh hoàn chỉnh, ông cầm kính mài trên đá, với những viên đá được tiện theo các hình thù khác nhau để tạo độ lõm cho kính - một quy trình theo nghệ nhân Phạm Hồng Vinh là rất “ngược đời” và thủ công. Khởi nghiệp với hầu như không có gì trong tay, trong 13 năm, ông đã tự nghiên cứu và hoàn thiện các công nghệ mới như phun cát để tạo hình, làm nhám kính, hóa mờ, hóa trong, chế tạo màu gốm - ceramic... Bước đột phá chính là năm 2003, khi nhà máy tôi kính đầu tiên ở Việt Nam được thành lập, dòng tranh kính của ông mới phát triển ổn định và cho doanh thu cao, nghệ thuật tranh kính Coba của ông được biết đến như một thương hiệu độc quyền không chỉ trong nước mà cả thế giới. Tranh kính đi vào thiết kế nội thất Ấp ủ sản phẩm “nhạc kính” Tranh kính của Phạm Hồng Vinh không chỉ là sản phẩm hội họa thông thường, mà đã trở thành một sản phẩm cực kỳ hữu dụng, được coi là vật liệu nghệ thuật. Qua việc nghiên cứu và ứng dụng thành công dòng kính siêu bền, sản phẩm của ông giờ đã thay thế tất cả các vật liệu nội ngoại thất như: vách cửa, cầu thang, lan can, sàn nhà và kể cả những cây cầu có giá trị thẩm mỹ cao và thay đổi tư duy về không gian. Riêng tranh kính thì sau nhiều năm, ông đã mở rộng được nhiều dòng tranh, từ tranh nhà thờ, phong thủy, Phật giáo… Một bức tranh kính thông thường có thể hoàn thành trong 1 ngày nhưng cũng có sản phẩm phải mất hàng tuần tùy theo kích cỡ và thiết kế. Giá thành một sản phẩm tranh kính dao động từ 2 - 3 triệu/m2, nhưng đối với loại kính siêu bền phải từ 4- 6 triệu đồng, không hề rẻ nhưng lại được ưa chuộng. Những tấm kính long lanh tưởng mỏng manh, dễ vỡ nhưng có thể chịu được va đập mạnh, nhiệt độ cao mà không biến dạng, méo mó… Để minh chứng cho sức bền đến khó tin này, mới đây nhất, trong 5 ngày, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã chế tạo thành công hai chiếc cồng, khánh bằng kính, khi gõ vào phát ra âm thanh rất vang. Ông không giấu tham vọng đặt chân vào lĩnh vực âm nhạc khi khẳng định mình sẽ tiếp tục cho ra đời sản phẩm “nhạc kính” khi sản xuất cả những chiếc trống hay những chiếc đàn kiểu đàn đá bằng chất liệu kính mà ông đã gắn bó từ lâu.
Là người đặt nền móng trong nghề tranh kính, sau nghệ nhân Phạm Hồng Vinh, từ năm 2000 ở các khu vực lân cận quanh Hà Đông dần dần đã phát triển nghề tranh kính, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Mặc dù nắm trong tay dòng sản phẩm độc quyền đã được công nhận, nhưng mỗi năm, ông vẫn đào tạo ra hàng chục thợ tay nghề giỏi từ các công đoạn vẽ đồ họa, điêu khắc trên kính… Điều khiến ông băn khoăn là tuy nghề làm tranh kính đã trở nên phổ biến trong cả nước, nhưng chưa tập trung thành làng nghề mặc dù nó mỗi năm đóng góp sản lượng rất lớn và mang giá trị thương hiệu Việt Nam. Bởi vậy, ông hy vọng trong tương lai sẽ có những doanh nghiệp đầu tư quy trình, dây chuyền sản xuất để hoàn thiện sản phẩm tranh kính cao cấp Việt Nam, vươn tầm ra thế giới. Nghệ nhân gia truyền Bùi Hải Hà bên tác phẩm MAI ANH |
Viết bình luận: