Nghệ thuật tranh kính độc đáo

Nghệ thuật tranh kính độc đáo

Nói đến nghệ nhân Phạm Hồng Vinh, có lẽ điều chính xác nhất chính là sự tiên phong. Mặc dù là một sinh viên xuất sắc của trường đại học Kinh tế quốc dân, ra trường trở thành cán bộ thanh tra dày dạn kinh nghiệm nhưng ông lại từ bỏ để trở về làm chủ công ty gia đình. Có lẽ hai chữ “tiên phong” đã ăn sâu vào tiềm thức và là động lực mở đầu cho câu chuyện về ông tổ nghề tranh kính sau này của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh.

 

CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG BỨC TRANH KÍNH

Xuất phát điểm từ những kiến thức học được về nghề đá mài, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã viết nên trang sử của Coba artglass. Từ những năm 90 khởi nhiệp, do nhu cầu làm chữ in trên kính cho các đám cưới, ông Vinh đã chế tạo ra máy phun cát hoạt động rất thô sơ: đổ cát vào một chiếc ống bơ rồi sử dụng nhiệt nhờ đốt cháy than hoa để thổi hơi, dùng cát để làm mờ. Sau này, do nhu cầu làm mờ ngày càng tăng, ông bèn thay ống bơ bằng bình xịt cứu hỏa. Tiếp sau đó là một loạt dụng cụ khác, cái mới ra đời thay thế cho cái cũ lạc hậu, lỗi thời. “Cái khó ló cái khôn, cứ làm nhiều thì lại chế ra một vài thứ, các dụng cụ làm kính từ trước đến nay hoàn toàn do tôi tự chế, không ở đâu có được.”- ông Vinh cho biết.

Sau công nghệ phun cát, hàng loạt các sản phẩm khác cùng các công ty đã được ông và gia đình thành lập. Bắt đầu từ công ty gốm sứ, sau khi phá sản, ông chuyển sang nghề đá mài để chế tạo ra đá mài kính, khắc trên kính. Không dừng lại với kết quả đó, ông đã bỏ tâm huyết nghiên cứu ra công nghệ khắc kính, rồi khắc tranh trên kính. Trải qua rất nhiều khó khăn, thất bại thậm chí là phá sản, đến năm 2003 tranh kính Coba mới phát triển ổn định và đến nay nghệ thuật Coba artglass của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã trở thành độc quyền trên cả nước và trên thế giới. 

 

NGHỆ THUẬT CỦA CUỘC SỐNG

Tranh kính Coba là sự kết hợp độc đáo của ba yếu tố: điêu khắc, hội họa và công nghiệp. Nó được tạo ra từ kính - sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại và nghệ thuật điêu khắc - bộ môn đặc trưng của nghệ thuật thủ công. Như được phù phép, từng tấm kính được nghệ nhân Phạm Hồng Vinh thổi vào một linh hồn, mang sức sống diệu kì. Mỗi bức tranh kính được ông tạo ra bằng tất cả nhiệt huyết và lòng say mê nghệ thuật. Đó không chỉ là những bức tranh điêu khắc thông thường mà là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo mang thông điệp vô cùng sâu sắc với các đề tài thiết thực như môi trường, nghệ thuật thư pháp, trống đồng…  Nhưng đó không chỉ là nghệ thuật thuần túy mà còn là nghệ thuật ứng dụng. Chính vì vậy sản phẩm Coba artglass vừa mang tính bài trí lại vừa phục vụ sinh hoạt mà ông gọi đó là “vật liệu xây dựng nghệ thuật”. Ông Vinh cho biết: “Thớt kính là sản phẩm có thể sử dụng rộng rãi trong mọi gia đình, giá thành phải chăng, có thể băm chặt thoải mái, không tạo mùn như thớt gỗ bình thường mà lại có thể dùng để trang trí nhà bếp”. Sản phẩm thớt kính, sàn kính của ông Vinh được tạo ra theo triết lí “Nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống và quay lại phục vụ cho cuộc sống nơi nó sinh ra”.

Tranh kính Coba là sản phẩm độc quyền của Việt Nam và trên toàn thế giới”. Và cũng chưa có ai như ông khi nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thách thức phía Trung Quốc sản xuất loại tranh kính như Coba artglass của ông.

 

Hơn 23 năm gây dựng sự nghiệp, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm như thớt kính phục vụ nhà bếp; bảng kính ít bụi cho nhà trường, giảng đường đại học… nhưng ông cũng gặp không ít khó khăn từ chính những phát kiến của mình. Từ  một công ty sản xuất kính mờ hàng đầu tại Việt Nam với 8 đại lí phân phối, bỗng chốc ông thành kẻ trắng tay khi nhiều kẻ phá ngang đã lợi dụng kẽ  hở ăn cắp công nghệ của ông.  Nhưng rồi chỉ trong vòng 12 ngày sau đó, ông Vinh đã nghiên cứu ra 2 công  nghệ hóa mờ và hóa trong nhằm đánh lại đối thủ. Nếu như trước kia ông phải mất 5 phút để tạo ra một tấm kính mờ nhờ sử dụng công nghệ phun cát thì nay với công nghệ hóa mờ, quá trình đó chỉ mất 20 giây. Thành quả đó đã tạo ra bước ngoặt kế tiếp cho con đường  kinh doanh của ông, để sau hơn 2 năm, từ một người phá sản, ông đã gây dựng lại tất cả. Ông mỉm cười hài lòng “Trong lúc bi quan nhất, vẫn phải thật bình tĩnh, phải có bản lĩnh đối mặt để từ đó tìm ra được giải pháp công nghệ thay đổi tình thế. Phải luôn hơn họ một phân, phải luôn đi trước đón đầu thay vì kế thừa của họ. Đó là bài học mà tôi rút ra trong 12 ngày nghiên cứu.”

Tính cách có phần ngang tàng theo nhận định của nhiều người nhưng ẩn sau là một trái tim đầy nhiệt huyết luôn khát khao được cống hiến của người nghệ nhân luôn đi tiên phong trong cuộc sống. Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh cho biết, ông mong muốn nghề sản xuất tranh kính được các cấp quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa để mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần khẳng định vị thế của nước ta trong cuộc cạnh tranh công nghiệp hoá toàn cầu.

Minh Anh

Viết bình luận:

 
vinhcobaartglass vinhcobaartglass