Ông chủ khai sinh ngành tranh kính Vinh CoBa

Ông chủ khai sinh ngành tranh kính Vinh CoBa

Ông chủ thương hiệu kính Coba - Thăng trầm “nghiệp” kính

Bằng tài năng và tâm huyết, ông Vinh đã tạo dựng được thương hiệu tranh kính nghệ thuật Coba của người Việt. Dưới bàn tay khéo léo của ông, những tấm kính trong suốt như được thổi hồn, kết hợp các mảng khối, màu sắc, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo.
Long đong dựng nghiệp 
Tôi gặp ông Vinh tại một cuộc hội thảo tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước. Gian trưng bày tranh kính của ông Vinh khi đó nằm ở một góc khuất, nhưng lại thu hút khách tới tham quan đông nhất. Xuýt xoa trước vẻ đẹp của tranh kính và nhìn thấy rõ tính ứng dụng của tranh kính trong trang trí nội thất, nhiều người đã xin địa chỉ công ty, xin điện thoại của ông Vinh để đặt hàng.

Trông trẻ hơn so với tuổi 52 của mình, ít ai biết rằng để tạo dựng được thương hiệu kính nghệ thuật Coba, ông chủ Phạm Hồng Vinh đã có cả một quá trình khởi nghiệp vô cùng gian nan, đã có lúc tưởng chừng như không đủ sức và lực để đeo đuổi ước mơ... Bên ấm trà xuân, ông không ngại ngần chia sẻ về những quãng thăng trầm của cuộc đời mình. Tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính- Ngân hàng (ĐH Kinh tế Quốc dân), khi ra trường ông Vinh về làm trọng tài kinh tế của tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Sau 5 năm công tác, thấy công việc không phù hợp với sở trường của mình, ông xin ra khỏi biên chế Nhà nước về mở xưởng sản xuất lò gốm, sau nâng cấp thành hợp tác xã sản xuất gốm, rồi hùn vốn với bạn bè thành lập công ty sản xuất gốm sứ Hoàng Hải, phát triển theo hướng in đề can trên gốm sứ. Đó là thời điểm những năm 1988- 1989, khi ấy hàng gốm sứ mỹ nghệ, chủ yếu là tranh gốm của công ty sản xuất không đủ để bán. Lúc làm ăn "trúng” lớn ông còn nhận được những hợp đồng sản xuất trụ điện sứ 35KV với trị giá lên tới hàng triệu đồng. Thời hoàng kim ấy, khi mà kinh tế thị trường mới manh nha nhen nhóm, khi mà cuộc sống của đại bộ phận người dân còn kham khổ, ông đã có trong tay số vốn lên tới 80 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, cùng thời gian này, ông Vinh nhận thấy thị trường trong nước đang khan hiếm thiết bị mài kính. Ông đã mày mò nghiên cứu và sản xuất thành công đá mài kính - một thiết bị mài kính "made in Việt Nam” đầu tiên. Thị trường mới mẻ, lại được phát huy đúng sở trường là nghiên cứu, mày mò sáng tạo nên ông đã dành nhiều thời gian hơn cho sản phẩm này. Ông chuyển hẳn sang mở xưởng chế tác đá mài kính, nghiên cứu ra qui trình làm kính trong, kính mờ, kính màu , điêu khắc trên kính bằng súng phun cát...

Những sản phẩm kính xây dựng này chất lượng tốt, giá cả hợp lý nên chẳng mấy chốc cơ sở sản xuất kính của ông đã trở thành đầu mối cung cấp hàng cho các đại lý ở khu vực Hà Nội, rồi các tỉnh, thành phía Bắc, phía Nam. Ông vẫn còn nhớ, cả phố bán vật liệu xây dựng Cát Linh, Nguyễn Trãi, Trường Chinh... khi ấy đều lấy hàng từ xưởng sản xuất của gia đình ông. Tên tuổi Vinh " kính” lúc ấy cũng nổi như cồn... Nhưng thương trường chẳng ai học được chữ "ngờ”, năm 1996, khi mặt hàng kính mờ, kính màu Trung Quốc tràn vào Việt Nam với giá thành rẻ hơn hẳn so với hàng trong nước (1m2 kính mờ của ông Vinh sản xuất giá 62.000 đồng, 1m2 kính mờ Trung Quốc chỉ có giá 45.000 đồng), người tiêu dùng bắt đầu quay lưng với hàng nội. Không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc giá rẻ, cơ sở sản xuất kính của gia đình ông Vinh đã buộc phá sản. Năm 1996, tồn đọng 2 kho kính nguyên liệu lớn, ông ôm số nợ lên tới gần 4 tỷ đồng đã có lúc ông tính tới nước ly hương để trốn nợ. Song nghĩ tới cha mẹ, vợ con... ông bỏ đi không đành.

Trong cái khó, ló cái khôn ông lại mày mò nghiên cứu sản xuất thiết bị gương chống mốc dùng cho nhà vệ sinh, bảng viết kính chống bụi cung cấp cho các trường ĐH... "công nợ trả dần, cháo húp vòng quanh” kinh nghiệm của người đời, với ông Vinh thực sự là thấm thía. Không ai tin là ông lại có thể bình tĩnh để trả hết món nợ khổng lồ ấy. Cho tới năm 2003, từ việc cung cấp mối hàng, ông nhận thấy nhu cầu trang trí bằng tranh kính nghệ thuật cho các công trình xây dựng dần nhen nhóm, nhất là đối với bộ phận những gia đình khá giả. Vậy là lại ngoặt sang một hướng làm ăn mới- điêu khắc tranh trên kính.

Sau thành công của những bức điêu khắc không màu cỡ nhỏ, ông sản xuất tranh kính khổ lớn 1,5 m2 x 2 m2. Bức tranh điêu khắc màu trên kính đầu tiên khổ 50cm x70 cm được ông thử nghiệm bằng sơn màu... móng tay. Vì theo ông, khi đó nguyên liệu màu dùng cho sản xuất tranh kính ở Việt Nam còn khan hiếm. Sau 6 năm miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, bức tranh kính điêu khắc màu đầu tiên trên khổ 1m2 đã được ra đời. Ông Vinh tâm sự: Tôi hạnh phúc tới trào nước mắt khi nhìn thấy sản phẩm do chính mình làm ra. Cũng từ lúc đó, ông biết mình đã không hoài công khi theo đuổi tới cùng đam mê sáng tạo trên kính.

Được tôn vinh là nghệ nhân, ông Phạm Hồng Vinh giờ đây đang là Giám đốc của Công ty cổ phần kính nghệ thuật Coba. Phòng trưng bày sản phẩm đặt tại thị xã Hà Đông (Hà Nội), còn xưởng sản xuất đặt tại thị xã Sơn Tây. Chỉ cho tôi xem những bức tranh và những sản phẩm kính màu nghệ thuật, ông Vinh hào hứng cho biết: nghệ thuật tranh kính ra đời từ rất sớm và rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là các nước ở châu Âu. Đó là loại tranh ghép bằng những mảnh kính màu lại với nhau. Tại Việt Nam, tranh kính ghép từ châu Âu được du nhập từ hàng chục năm nay, chủ yếu ở các nhà thờ. Ông đã không đi theo hướng đó, mà nhằm tới những ứng dụng của kính trong các công trình dân dụng. Đến giờ ông vẫn không ngừng mày mò, sáng chế tranh kính điêu khắc.



Ở phòng trưng bày tranh kính, người xem sẽ được thấy nhiều tác phẩm khổ lớn như "Long cuốn thủy”- thể hiện hình dáng con rồng thời Lý, với năm móng làm điểm nhấn chủ đạo. Hay để cho ra đời tác phẩm "Hát Xẩm”, ông Vinh đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu về nghệ thuật hát Xẩm, từ cách hát đến trang phục, nhạc cụ, không gian trình diễn Xẩm...

ó tận mắt thấy những tấm tranh kính nghệ thuật cỡ lớn, mới thực sự khâm phục tài năng và tâm huyết của ông Vinh. Tranh kính được tạo ra trên đủ các chất liệu, từ kính mỏng tới kính dày. Những bức tranh kính và những sản phẩm nghệ thuật từ kính của ông ( bàn, ghế, vách ngăn, trần kính, cửa sổ...) có khả năng chịu lực và độ an toàn cao, cũng như tính nổi trội khi áp dụng vào các công trình xây dựng.

Giá thành các sản phẩm của ông cũng rất hợp lý, dao động từ 1, 2 triệu đến 3, 4 triệu đồng/ m2 cho từng độ dầy kính và cấp độ điêu khắc nghệ thuật. Sản phẩm độc đáo, giá thành vừa phải bởi từ máy móc, trang thiết bị cho tới nguyên liệu kính đều là hàng Việt Nam, hoặc liên doanh sản xuất tại Việt Nam. Trong đó máy mài kính, thiết bị điêu khắc kính, phun màu kính do ông và các cộng sự tự sản xuất. Duy chỉ có sản phẩm tạo màu điêu khắc kính được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Ông Vinh cũng cho biết, hiện nay xu hướng xây dựng dân dụng phát triển mạnh, các công trình sử dụng kính nghệ thuật điêu khắc không chỉ là những bức tranh nhỏ treo tường, vách kính, trần nha, mà có rất nhiều công trình sử dụng tranh kính khổ lớn tìm đến công ty ông. Trong đó phải kể đến đơn đặt hàng của Rạp Kim Đồng, chùa Bái Đính, Khách sạn Hoàng Gia (Bắc Ninh), Khách sạn Con Rồng (Tây Hồ, Hà Nội)...

Sau nhiều lần được vinh danh ở Hội chợ làng nghề, các triển lãm về vật liệu xây dựng, thương hiệu kính Coba của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã có chỗ đứng chắc chắn trên thị trường. Không có khái niệm mùa vụ, công ty của ông quanh năm bận rộn với những hợp đồng kinh tế. Lúc cao điểm nhà riêng cũng trở thành địa điểm giao dịch đặt hàng. Hay tin có phòng trưng bày tranh kính nghệ thuật tại Hà Đông, khách du lịch nước ngoài khi đến tham quan làng lụa Vạn Phúc cũng đều ghé qua tham quan và mua các sản phẩm lưu niệm được chế tác từ kính.

Sau triển lãm tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước vừa qua, đã có những Việt kiều ngỏ ý muốn mời ông Vinh tham gia thiết kế nội thất cho các công trình khách sạn mà họ sẽ đầu tư về Việt Nam. Không bằng lòng với chính mình, nghệ nhân- doanh nhân Phạm Hồng Vinh vẫn ngày đêm say mê nghiên cứu nghệ thuật tranh khắc trên kính. Hiện tại ông đang cho cải tiến tranh kính 1D sang tranh kính 3D để đáp ứng nhu cầu chơi và hưởng thụ tranh kính của người tiêu dùng.

 

Viết bình luận:

 
vinhcobaartglass vinhcobaartglass