“Vinh Cô ba”- người thổi hồn văn hóa Việt vào nghệ thuật Kính

“Vinh Cô ba”- người thổi hồn văn hóa Việt vào nghệ thuật Kính

.

Những chế tạo duy nhất Việt Nam

Vốn là một người có năng khiếu thiên bẩm về hội họa, từ nhỏ Phạm Hồng Vinh luôn bộc lộ sự sáng tạo của mình. Năm 1989, Phạm Hồng Vinh quyết định thành lập công ty gốm sứ Hoàng Hải và nghiên cứu ra dòng Tranh Sứ - dòng tranh trên chất liệu gốm sứ đầu tiên ở Việt Nam. Trong giai đoạn này ông nghiên cứu làm thêm sứ điện. Có bao nhiêu vốn ông đổ vào lò hộp nung sứ điện do ông tự chế. Kết quả không thành công đẩy ông đứng trước bờ vực phá sản.

Chưa biết xoay sở thế nào, tình cờ có người hỏi ông mài được kính không. Bỏ thời gian ra nghiên cứu, ông đi tận Hải Dương mua Bột mài, bột Cao Lanh, đá Trường Thạch về tạo ra phối liệu để sản xuất ra đá mài.

Ông cười nhớ lại: “Khi tôi đến nhà máy sản xuất Hải Dương gặp anh trưởng phòng kế hoạch anh ta nói: Ở đây nghiên cứu 10 năm còn chẳng làm được cậu làm sao được”. Bằng cách đập dồn, đóng theo dấu cộng, sử dụng 2 loại búa lớn, búa nhỏ, ông đã cho ra sản phẩm đá mài kính đầu tiên ở Việt Nam. Khi đó ông bắt đầu mài tủ ly, tủ đứng chiếm lĩnh thị trường Hà Nội. Xưởng sản xuất của ông trở thành một xưởng rất “hot” trên địa bàn.

Vinh Coba với công việc yêu thích

Khi thị trường ưa chuộng dòng sản phẩm trên kính, Phạm Hồng Vinh lại dốc hết trí tuệ và tiền bạc nghiên cứu ra công nghệ phun cát trên kính. Một lần nữa ông lại trở thành ông chủ phun cát lớn nhất và duy nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, đây là lần đứng trước bờ vực phá sản nhớ nhất trong cuộc đời ông. Chuyện là: khi công ty đang làm ăn phát đạt, năm 1996 tự nhiên các đại lý không đến lấy hàng nữa, hàng bán ra thị trường rẻ cũng không ai mua. Lúc này thị trường giành cho sản phẩm kính lụa của Trung Quốc tràn sang. Không suy sụp, ông tự nhủ “Mình phải làm ra một hóa chất gì đó mà nhúng một cái mờ luôn mặt kính”. Công nghệ hóa mờ, hóa trong do ông sáng chế ra bắt đầu có từ đây.

Sản phẩm đầu tiên của công nghệ này cho ra thị trường là Bóng lốp (làm bằng thủy tinh 2 da) cho Nhà máy Thủy tinh Hà Nội và sản xuất ra bảng kính ít bụi cho ngành giáo dục…Nhờ công nghệ này, Kính của Phạm Hồng Vinh sản xuất ra với sản lượng lớn, nhanh, đẹp, giá rẻ đã đánh bật sản phẩm của Trung Quốc. Thương hiệu “Vinh CoBa” càng nổi danh khắp thị trường. 

Tác phẩm Cồng Kính nghệ thuật

Chưa dừng lại, ông tiếp tục chế tác Kính siêu bền thành Nghệ thuật Kính độc đáo ở Việt Nam dưới tên Công Ty Cổ phần Kính Nghệ thuật Coba vào năm 2003.

Khát vọng giữ hồn Việt trên kính

Rất nhiều người gọi ông là “Ông tổ” của Nghệ thuật Kính Việt Nam. Có một điều đặc biệt khi người ta nhìn nhận về những sản phẩm của ông là: Nó không chỉ thể hiện sự sáng tạo, tinh tế mà còn có những giá trị văn hóa vật thể, giá trị văn hóa tinh thần ẩn dấu trên đó.

Ông rất tâm đắc chia sẻ: “Hơn 2 ngàn năm trước, người Việt cổ đã biết lưu giữ những hình ảnh, những nét sinh họat văn hóa, đời sống tinh thần trên đá, cao hơn nữa là những hoa văn trên Trống Đồng. Đến nay, những tinh hoa văn hóa ấy vẫn trường tồn và là một nét riêng góp phần khẳng định văn hóa Việt được cả thế giới biết đến. Vậy cớ sao mình không lưu giữ những tinh hoa đó trên nghệ thuật Kính”. Trước suy nghĩ đó, dưới bàn tay tài hoa, trí sáng tạo không mệt mỏi, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh đã đem Văn hóa Việt thổi hồn vào những tấm kính vô tri, vô giác thành một tác phẩm nghệ thuật.

Hiện nay, các sản phẩm tranh kính nghệ thuật của Nguyễn Hồng Vinh được thị trường ưa chuộng bởi nó đảm bảo yếu tố bền, đẹp, mang tính thẩm mĩ cao và có tính ứng dụng rộng rãi trong thiết kế nội, ngoại thất.

Tác phẩm Rồng Nhà Lý trên kính nghệ thuật được dùng tại chùa Bái Đính

Một số tác phẩm nổi tiếng của Vinh Coba có sử dụng chất liệu dân gian có thể kể đến như: Nghệ thuật hát xẩm, Chử Đồng Tử, Lạc Long Quân…  tác phẩm Lý Công Uẩn dời đồ khắc họa lịch sử hào hùng của dân tộc để ở khu di tích lịch sử Đền Đô là những gì ông muốn lưu giữ trên chất liệu kính siêu bền của mình.

Trò truyện với chúng tôi ông bày tỏ sự lo ngại trước sự truyền bá ồ ạt của văn hóa phương tây, văn hóa Trung Quốc vào Việt Nam. Rồi vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Ông chia sẻ: “Có nhiều sản phẩm sử dụng chất liệu Trung Quốc làm méo mó, xuyên tạc hình thành lịch sử Tranh Kính nghệ thuật của Việt Nam. Ngoài ra nó còn tiềm ẩn những hiểm họa từ văn hóa ngoại lai vô tình làm lu mờ văn hóa Việt”.

Chiều cuối năm, cái lạnh của mùa đông Miền Bắc dường như đang bị nhiệt huyết và đam mê của ông chủ thương hiệu Kính Nghệ Thuật COBA ART đẩy lùi. Chúng tôi cảm phục trước một con người vừa có tài, vừa có tâm. Một con người sống hết mình vì đam mê và ước muốn truyền bá văn hóa cổ truyền Việt Nam qua những tuyệt phẩm kính nghệ thuật. Xin chúc cho ông những thành công trong sự nghiệp và thật nhiều sức khỏe để thổi hồn vào thương hiệu Kính nghệ thuật Việt Nam./.

HATAP

 

Viết bình luận:

 
vinhcobaartglass vinhcobaartglass