Trải qua bốn lần thất bại lớn, từng có lúc nợ ngập đầu, trắng tay vì nghiệp kính, Phạm Hồng Vinh vẫn không từ bỏ niềm đam mê của mình. Ông luôn tin tưởng về một tương lai rồi sẽ có lúc hết long đong, lận đận với tranh kính nghệ thuật.
Được cấp bằng độc quyền sáng chế về quy trình sản xuất tranh kính của Cục Sở hữu trí tuệ năm 2012, thương hiệu tranh kính Vinh Coba đã vinh dự nhận được rất nhiều giải thưởng, bằng khen uy tín như huy chương vàng sản phẩm mặt bàn kính, vách kính, cột đèn kính nghệ thuật Vietbuil năm 2008, cúp vàng thương hiệu ngành xây dựng Vietbuil năm 2008, 2010; cúp thương hiệu mạnh và phát triển bền vững, cúp bàn tay vàng năm 2010...Những giải thưởng, bằng khen chính là sự đánh giá về chất lượng, uy tín của người tiêu dùng đối với kính Coba. Nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau những vinh quang đó là cả một quá trình dài đầy thăng trầm, sóng gió trong sự nghiệp của Phạm Hồng Vinh – ông chủ thương hiệu kính Vinh Coba
Niềm đam mê với kính nghệ thuật
Hồi nhỏ, cậu bé Phạm Hồng Vinh đã từng tham gia vào công đoạn cắt những mảnh kính trong các xưởng thủ công. Công việc yêu cầu sự tỉ mỉ, thận trọng bởi nếu rơi vỡ thì phải đền bằng tiền. Niềm yêu thích với kính được hun đúc từ nhỏ, đã vun đắp lên một thương hiệu tranh kính nghệ thuật Vinh coba như bây giờ.
Tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, khoa kế toán ngân hàng K22, nhưng ngọn lửa đam mê vẫn âm ỉ cháy. Tốt nghiệp ra trường, ông làm trọng tài kinh tế cho tỉnh Hà Sơn Bình (cũ). Sau 5 năm công tác, thấy công việc không phù hợp với sở thích, ông xin ra khỏi biên chế, về mở xưởng sản xuất đồ gốm, rồi nhờ hùn vốn với bạn bè, ông thành lập công ty sản xuất gốm sứ Hoàng Hải, phát triển theo hướng in đề can trên gốm sứ. Thời điểm những năm 1988 – 1989, công việc làm ăn bước đầu thuận lợi, ông nhận được những hợp đồng sản xuất lớn. Khi nền kinh tế mới bắt đầu mở cửa, ông đã nắm trong tay số vốn lên đến 80 triệu đồng.
Vốn là người thích nghiên cứu, sáng tạo, nhận thấy thị trường lúc bấy giờ khan hiếm thiết bị mài kính, Phạm Hồng Vinh đã mày mò nghiên cứu, chế tạo thành công đá mài kính đầu tiên ở Việt Nam. Phát huy được sở trường cộng thêm thị trường mới mẻ và đầy triển vọng, ông dành nhiều thời gian và công sức hơn cho sản phẩm của mình. Phạm Hồng Vinh đã chuyển hẳn sang mở xưởng sản xuất đá mài kính, nghiên cứu thêm nhiều công nghệ mới như làm kính trong, kính mờ, kính màu sử dụng trong nhà tắm. Sự mới lạ trong sản phẩm, chất lượng tốt, giá cả hợp lí, xưởng sản xuất của Phạm Hồng Vinh nhanh chóng trở thành đầu mối cho các đại lí lớn ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Khoảng thời gian đó, tên tuổi Vinh Coba nổi tiếng khắp thị trường xây dựng về sản xuất và chế tạo kính.
Nhưng dòng chảy của thị trường đã nhấn chìm thương hiệu kính Vinh coba bắt đầu từ khi những sản phẩm kính mờ, kính màu của Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú, những mặt hàng kính của Trung Quốc đã đánh trúng tâm lí người tiêu dùng trong nước. Kính Vinh Coba bị thất thế, các cơ sở sản xuất kính của Phạm Hồng Vinh buộc phải phá sản. Nợ ngập đầu, hàng tồn đọng, cả gia đình ông phải rời Hà Nội, về Sơn Tây để bắt đầu lại từ đầu.
Được phú cho năng khiếu nghệ thuật về điêu khắc, hội họa, lại có nhiều kiến thức về hóa học, vật lí, ông lao vào nghiên cứu, sáng tạo nhiều công nghệ chế tạo mới. Thiết bị gương chống mốc, bảng viết kính chống bụi được ra đời. Theo ông Vinh, hồi đấy việc sử dụng bảng xi măng là rất phổ biến, nhưng vì có nhiều nhược điểm nên việc sử dụng đại trà là rất tốn kém vì phải thay mới thường xuyên. Việc nghiên cứu bảng kính và được đón nhận rộng rãi từ các trường đại học thời đấy đã giúp Phạm Hồng Vinh trả hết nợ nần, và tiếp tục những phi vụ kinh doanh mới.
Tới năm 2003, sau một thời gian nghiên cứu sáng tạo ra các màu nung bằng sự kết hợp giữa các oxit kim loại và men nung, ông Vinh nhận ra nhu cầu trang trí bằng tranh kính nghệ thuật cho các gia đình khá giả ở Hà Nội. Bước ngoặt kinh doanh mới – điêu khắc tranh trên kính bắt đầu.
Từ những bức tranh kính cỡ nhỏ, ông Vinh tiếp tục cho ra lò những bức tranh kính lớn hơn với kích thước 1,5m*2m. Từ 2003 đến 2008, ông tiếp tục nghiên cứu đưa mĩ thuật bằng các dạng tranh nghệ thuật vào kính, mày mò, nghiên cứu chế tạo để sản xuất tranh kính nghệ thuật. Là người đầu tiên sáng tạo ra tranh điêu khắc nghệ thuật ở Việt Nam. Thương hiệu tranh kính nghệ thuật Vinh Coba không những nhận được sự tin tưởng và hài lòng của khách hàng trong nước mà còn được khách hàng nước ngoài ưa thích.
Làm tranh kính cũng là sáng tác nghệ thuật
“Làm tranh kính là nghệ thuật tư duy ngược. Vẽ tranh cho giống với tự nhiên đã khó, ở đây còn vẽ tranh trên kính cho có thần thái, tự nhiên như thật, nhưng lại là vẽ ngược, thì lại càng có hơn” – Phạm Hồng Vinh chia sẻ
Một sản phẩm tranh khắc kính nghệ thuật ra đời, phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Đầu tiên là phác thảo ý tưởng trên giấy hoặc máy vi tính, chọn nguyên liệu cho phù hợp với nội dung, vị trí ứng dụng tranh để làm sạch kính, đưa nội dung tranh lên kính bằng công nghệ điêu khắc thủ công bằng máy mài hoặc súng phun cát. Công đoạn cuối cùng là công đoạn sơn hấp màu qua nhiệt độc 700 độ C, đây cũng là giai đoạn quan trọng và phức tạp nhất, quyết định sự thành bại của một bức tranh kính nghệ thuật. Ở giai đoạn này, thợ sơn phải có am hiểu về mĩ thuật và phải làm việc bằng tư duy ngược. Vì không nhìn được tác phẩm mình đang làm nên bắt buộc phải nhớ toàn bộ bố cục bức tranh đến từng chi tiết nhỏ. Công việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ, tỉ mỉ, cẩn thận bởi chỉ cần sơ ý làm rơi màu là phải làm lại từ đầu. Với những đòi hỏi khắt khe trong công việc nên ít người bám trụ lại được với nghề. Đây cũng là điều băn khoăn, trăn trở của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh với việc đào tạo những lớp nghệ nhân kế cận.
Vinh Coba chia sẻ rằng, chất nghệ sĩ đã thấm vào máu ông tự bao giờ. Phong cách của một người nghệ sĩ và lòng đam mê nghệ thuật tranh kính đã thúc giục ông không ngừng sáng tạo cái mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và độ bền sản phẩm của mình.
Nói về tranh kính của mình, Phạm Hồng Vinh tâm sự : “ Mỗi sản phẩm tranh kính nghệ thuật được làm ra là biết bao nâng niu và trân trọng, tình cảm và tâm huyết của người nghệ nhân đặt vào đó. Nó là sự đánh giá tài năng, cũng như lòng đam mê và nhiệt huyết với nghề, bởi mỗi bức tranh, mỗi sản phẩm là cả một công trình nghệ thuật.”
Đã được sự công nhận của nhà nước về độc quyền thương hiệu và bản quyền công nghệ, nhưng Vinh Coba vẫn luôn đau đáu với nghề, làm thế nào để thương hiệu tranh kính nghệ thuật mà mình sáng tạo ra được trân trọng, công nhận mà không bị làm giả, làm nhái ? Đứa con tinh thần mà ông mất cả đời nghiên cứu tâm huyết liệu một mai có bị quên lãng ?
Hồng Nhung
Viết bình luận: