Vinh Coba và câu chuyện bảo vệ thương hiệu độc quyền (Kỳ 2)

Vinh Coba và câu chuyện bảo vệ thương hiệu độc quyền (Kỳ 2)

 

(Dunghangviet.vn) - 20 năm trước, nghệ nhân Vinh Coba phải vật vã ‘đấu’ với hàng Trung Quốc thì giờ đây, ông và công ty của mình lại đang phải ‘đấu’ với chính hàng Việt.

 

Dù được cấp bằng sở hữu trí tuệ độc quyền, muốn khởi kiện để bảo vệ thương hiệu, ông Vinh được luật sư ‘ra giá’ 500 triệu đồng để đi kiện … 1 đơn vị. Mà nước ta có hàng nghìn đơn vị như thế…

Kỳ 2: Có vài trăm tỷ mới kiện được hàng nhái, DN nhỏ lấy đâu ra tiền?

Lần đầu tôi gặp nghệ nhân Vinh Coba không phải là lúc ông và sản phẩm tranh kính nghệ thuật siêu bền được vinh danh trong top “200 doanh nghiệp tiêu biểu 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, cũng không phải lúc ông đang hân hoan đón nhận danh hiệu nghệ nhân Hà Nội. Thời khắc tôi gặp ông là lúc ông đang đau đáu việc công nghệ làm sản phẩm tranh kính nghệ thuật của công ty ông bị hàng nghìn đơn vị trên cả nước làm nhái, dù rằng ông đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ độc quyền.

ản phẩm kính nghệ thuật của nghệ nhân Vinh CobaMột sản phẩm kính nghệ thuật của nghệ nhân Vinh Coba. Ảnh: CTCP Kính nghệ thuật Coba.

Nỗi lòng hàng Việt Nam chất lượng cao

Nỗi lòng ấy được giãi bày ngay giữa hội thảo công bố chương trình hội chợ “Tự hào hàng Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm truyền thống năm 2014” hồi cuối Tháng 8 vừa qua. Sản phẩm kính nghệ thuật mang thương hiệu Vinh Coba trước giờ luôn được tôn vinh là sản phẩm siêu bền, bản thân nghệ nhân Vinh Coba và công ty của ông thường xuyên được Thành phố Hà Nội vinh danh… Ấy thế mà, sau khi phải vật vã ‘đấu’ với hàng Trung Quốc 20 năm trước, giờ đây, ông và công ty của mình lại đang phải ‘đấu’ với chính hàng Việt, ‘đấu’ với những đơn vị làm nhái công nghệ, nhái sản phẩm của ông. 

Vào năm 1988 – 1989, cựu sinh viên chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng mang trong mình niềm đam mê nghệ thuật Phạm Hồng Vinh (Vinh Coba) đã từ giã công việc Nhà nước yên ả để mở xưởng sản xuất lò gốm, sau nâng cấp thành hợp tác xã sản xuất gốm, rồi góp vốn với bạn bè thành lập công ty sản xuất gốm sứ Hoàng Hải. 

Năm 1996, giai đoạn hoàng kim của công ty ông đi qua khi các mặt hàng kính của Trung Quốc ào ào vào thị trường Việt Nam. Các sản phẩm kính của ông không thể cạnh tranh được với các mặt hàng Trung Quốc về giá cả. Kết quả là cơ sở sản xuất kính của gia đình ông Vinh đã tuyên bố phá sản kéo theo đó là các khoản nợ nần chồng chất lên đến gần 4 tỷ đồng. 

Trong giai đoạn khó khăn đó, bằng sự nhạy bén và sáng tạo của mình, ông Vinh đã nghiên cứu và cho ra đời công nghệ mới với năng suất cao hơn, chất lượng vượt trội bởi đẹp, kín, mờ và siêu mịn… giá thành lại rẻ nên đã đánh bật được hàng Trung Quốc, lấy lại vị trí cho sản phẩm kính mờ mang tên Vinh Coba.

Ấy là câu chuyện nghệ nhân Vinh Coba ‘đấu’ với hàng Trung Quốc 20 năm về trước.

Còn giờ đây, trên trường đấu với chính hàng Việt, ông Vinh đang phải ngậm ngùi nhìn hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất kính nghệ thuật trên cả nước ‘xài chùa’ công nghệ của mình, thậm chí còn ngang nhiên công khai trên website, dù rằng ông đã được cấp bằng độc quyền sở hữu trí tuệ. 

“Nhiều lần tôi cũng đặt vấn đề đề nghị các cơ quan quản lý giải quyết vấn đề này. Họ đều trả lời nên đến luật sư. Khi đến tìm luật sư họ đều nói muốn kiện một đơn vị thì phải mất 500 triệu đồng”, ông Vinh nói, giọng nghẹn lại khi nhắc đến cái giá nửa tỷ.

Một doanh nghiệp đã vậy, kiện cả nghìn doanh nghiệp, con số ấy phải lên đến vài trăm tỷ đồng.

Tự bảo vệ thương hiệu, doanh nghiệp nhỏ lấy đâu ra vài trăm tỷ để kiện?

Nhận được cái giá luật sư đưa ra, ông Vinh nhẩm tính: Không biết công ty phải bán kính nghệ thuật bao nhiêu lâu, bán bao nhiêu kính mới có được 500 triệu đồng để đi kiện… 1 đơn vị. Mà ở Việt Nam hiện giờ có tới hàng nghìn đơn vị như thế. 

"Mình nghiên cứu mấy chục năm mới có được một dòng sản phẩm, thế nhưng khi tung ra thị trường lại có người làm nhái đẹp ngay. Bao giờ mới thu được cái chi phí ấy", ông Vinh bế tắc. 

 “Giải pháp nào cho người có bằng sáng chế như bọn tôi bảo vệ được độc quyền sản phẩm của mình. Ai sẽ là người đứng ra bênh vực doanh nghiệp nhỏ như bọn tôi?”

Câu hỏi của ông Vinh, ông Nguyễn Trọng Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng đây là một câu hỏi không phải mới, nhưng có ý nghĩa rất lớn trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, khi đưa ra giải pháp, thì vấn đề quanh quẩn là lại phải trở về với… luật sư.

“Anh muốn làm được cái đó thì rõ ràng anh phải theo nghiên cứu kỹ các thủ tục khởi kiện trong trường hợp vi phạm bản quyền. Nếu chúng ta không làm theo cái đó thì tôi nghĩ không giải quyết được, không ai giải quyết được. Vì quản lý chúng ta rất nhiều, công an chúng ta rất lắm nhưng ta có giải quyết đâu. Giờ muốn giải quyết được cũng phải theo thứ tự thôi” – ông Hiệu cho hay.

 

“Trách nhiệm cao nhất thuộc về thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ”

Ông Nguyễn Trọng Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Khi Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng sở hữu trí tuệ độc quyền, tức là Nhà nước công nhận sáng chế đó. 

Ông Hiệu cũng cho rằng, trách nhiệm cao nhất trong vụ việc này thuộc về thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ. “Đối với vi phạm trong sở hữu trí tuệ, trách nhiệm thuộc về thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ là cao nhất… Tôi đề nghị nếu anh vẫn còn vướng mắc, thì thông qua Bộ làm việc với Cục Sở hữu Trí tuệ là nơi cấp bản quyền về công nhận bằng sáng chế. Tôi nghĩ đấy là vấn đề có thể làm được..”.
 
Nghệ nhân Vinh Coba: “Tôi sẽ kiện Tranh kính Việt”

Trở lại câu chuyện thua đau hàng nhái trong vụ thầu lớn của CTCP Kính Nghệ thuật Coba Thời báo Đông Nam Á đã nêu trong bài viết Kỳ 1 với tiêu đề “Con gái bỏ nghề vì cha thua đau trước hàng nhái”, nghệ nhân Vinh Coba cho rằng đơn vị thắng thầu khi đó - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Gia Việt (với thương hiệu Tranh Kính Việt) đã sử dụng quy trình 8 bước sản xuất tranh kính của Vinh Coba.

Nhắc lại câu chuyện bị thua trong dự án với công ty Thủy điện sông Đà, ông Vinh cho hay: Nguyên tắc trong vụ thầu là tất cả các bên tham gia đấu thầu phải đưa ra được quy trình sản xuất tranh kính. Ông cho rằng, Tranh kính Việt không hề có quy trình sản xuất tranh kính riêng của họ. Theo lời ông Vinh, Tranh kính Việt đã tự ý lấy lại quy trình trên mà không có một lời xin phép, dù ông Vinh mới là người đầu tiên đưa ra công nghệ này và đã được cấp bằng độc quyền sáng chế.

Kiều Luyến

Thanh Thủy
Nguồn: Thời báo Đông Nam Á

Viết bình luận:

 
vinhcobaartglass vinhcobaartglass