Bồ Tát
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tượng bồ tát bằng đá theo phong cách nghệ thuật Chăm.
Bồ Tát (菩薩) là lối viết tắt của Bồ-đề-tát-đóa (zh. 菩提薩埵, sa. bodhisattva), cách phiên âm tiếng Phạn bodhisattva sang Hán-Việt, dịch ý là Giác hữu tình (zh. 覺有情), hoặc Đại sĩ (zh. 大士). Trong Phật giáo Đại thừa, Bồ Tát là một hành giả sau khi hành trì các Ba-la-mật-đa đã tựu Phật quả, nhưng nguyện không nhập Niết-bàn khi chúng sinh chưa giác ngộ.
Yếu tố cơ bản của Bồ Tát là lòng Từ bi đi song song với Trí huệ. Chư Bồ Tát thường cứu độ chúng sinh và sẵn sàng thụ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sinh cũng như hồi hướng phúc đức mình cho kẻ khác. Con đường tu học của Bồ tát bắt đầu bằng luyện tâm Bồ-đề và giữ Bồ Tát hạnh nguyện. Hành trình tu học của Bồ Tát theo kinh Hoa Nghiêm thì có 52 quả vị gồm Thập Tính, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập địa và hai quả vị cuối cùng là Đẳng giác và Diệu giác.
Mục lục
[ẩn]
- 1Khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa
- 2Những người có tấm lòng bao la
- 3Danh sách một số vị Bồ Tát
- 4Tham khảo
- 5Liên kết ngoài
Khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa[sửa | sửa mã nguồn]
Hình ảnh Bồ Tát của Đại thừa tương tự như A-la-hán của Tiểu thừa, trong đó A-la-hán tập trung vào sự giải thoát cho chính mình.
Trong nhiều kinh Nikaya, A-la-hán là một bậc Thánh hoàn hảo, đầy lòng từ bi thương yêu chúng sinh nhưng dấu kín trong phong cách trầm mặc hiền lành. Thật sự thì khái niệm Bồ tát đã được tìm thấy trong các kinh Tiểu thừa, nhất là khi nói về các tiền thân đức Phật Thích-ca (Bản sinh kinh). Trong Đại thừa, khi nói đến Bồ Tát, người ta xem đó là tiền thân của các vị Phật tương lai. Đại thừa chia làm hai hạng Bồ Tát: Bồ Tát đang sống trên Trái Đất và Bồ Tát siêu việt. Các vị đang sống trên Trái Đất là những người đầy lòng từ bi, giúp đỡ chúng sinh, hướng về Phật quả. Các vị Bồ Tát siêu việt là người đã đạt các hạnh Ba-la-mật và Phật quả – nhưng chưa nhập Niết-bàn. Đó là các vị đã đạt Nhất thiết trí, không còn ở trong Luân hồi, xuất hiện trong thế gian dưới nhiều dạng khác nhau để cứu độ chúng sinh. Đó là các vị được Phật tử tôn thờ và đảnh lễ, quan trọng nhất là các vị Bồ Tát Quán Thế Âm (zh. 觀世音), Văn-thù-sư-lợi (zh. 文殊師利), Địa Tạng (zh. 地藏), Đại Thế Chí (zh. 大勢至) và Phổ Hiền (zh. 普賢).
Những người có tấm lòng bao la[sửa | sửa mã nguồn]
Thật ra trong đạo Phật, người ta hiểu từ Bồ Tát với nghĩa khá rộng, không hẳn chỉ là những vị Bồ Tát thần thông quảng đại ẩn hiện khắp nơi trên cõi cao vời, mà còn là những người có tấm lòng độ lượng nhân ái, sống giữa cuộc đời thực tế này. Chính vì ý nghĩa rộng lớn của Bồ Tát như vậy nên hình ảnh của đạo Phật gần gũi, đẹp đẽ và sống động.
Một người được gọi là Bồ Tát là người thương yêu mọi người xung quanh mình, sẵn lòng giúp đỡ khi có thể, dường như chẳng thấy giận ghét ai. Những tâm hạnh như thế rất phù hợp với tiêu chuẩn của một vị chứng Thánh quả Tu đà hoàn trở lên. Ở Việt Nam, Nguyễn Hữu Dật (một vị quan sống vào thời chúa Nguyễn ở Đàng trong) sau khi mất, được nhân dân ở Quảng Bình tiếc nhớ, gọi là Bồ Tát, lập đền thờ ở Thạch Xá.[1]
(nguồn:vi.wikipedia.org)
Viết bình luận: